Từ ngày nhận kết quả điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, mẹ con bà Hoa mới hết căng thẳng. Thằng Toàn, con trai bà sức học chỉ làng nhàng nhưng tổng điểm ba môn xét tuyển đại học cũng được 15. Mặc dù không đủ điểm vào trường đại học theo nguyện vọng đăng ký nhưng số điểm ấy cũng đủ để nộp hồ sơ vào một trường đại học có điểm chuẩn thấp. Những ngày qua, mẹ con bà càng cảm thấy hứng khởi khi liên tục nhận được tin nhắn trên điện thoại của các trường đại học “tốp dưới” mời nhập học. Bởi vậy khi có người đến nhà chơi, chưa kịp hỏi thăm, bà đã chủ động khoe: “Xin các bác mừng cho vợ chồng tôi! Cháu Toàn đỗ nhiều trường nhưng gia đình đang tính toán nên cho con học trường nào để sau này có tương lai (?)”.
Thấy vợ cứ sĩ diện, suốt ngày khoe con trai đỗ đạt, ông Hùng bực lắm nhưng vẫn điềm đạm, bình tĩnh phân tích:
- Bà đừng có ảo tưởng! Thằng Toàn nhà mình tính tình, khả năng của nó thế nào, bà biết rõ hơn tôi. Trong thâm tâm, tôi cũng luôn mong con được vào học ở một trường đại học danh giá để nâng cao giá trị bản thân, làm rạng danh gia đình. Tuy nhiên, con mình chẳng phải là đứa thông minh, tài giỏi, lại không có chí tiến thủ, nếu cố tình theo đuổi con đường đại học, tôi sợ ra trường khó kiếm được việc làm. Tôi đang định bàn với bà cho con học một trường cao đẳng hoặc trung cấp nghề để vừa phù hợp với trình độ, năng lực của nó, vừa đỡ tốn tiền học phí đóng góp, ra trường lại dễ tìm việc làm…
Nghe chồng nói như vậy, bà Hoa bật lại:
- Ông đúng là sắt đá, không biết thương con. Tôi chẳng hiểu ông nghĩ gì mà con mình có cơ hội trong tầm tay lại không nắm bắt (?). Tôi đã quyết rồi, con mình dứt khoát phải học đại học cho bằng bạn bằng bè. Biết đâu sau này ra trường được vào cơ quan Nhà nước, đồng lương ổn định, cuộc sống nhàn hạ thì sao? Học trường nghề, sau này ra làm thợ như ông, cứ ráo mồ hôi là hết tiền(!).
Biết là không thể thuyết phục để vợ thay đổi ý định, ông Hùng đành im lặng. Vả lại xem ra con trai ông cũng muốn học đại học để khỏi mang tiếng thua kém bạn bè. Nếu ông khuyên học nghề, biết đâu nó lại nghĩ bố tiếc tiền mà không lo cho tương lai của con (?).
Xưa nay, trong quan niệm của xã hội, tiếp nối bậc trung học phổ thông là học lên đại học. Đó là sự “mặc định” con đường lập nghiệp của mỗi con người. Bởi lẽ, bất kể năng lực, trình độ thế nào, việc có tấm bằng đại học như là tiêu chuẩn và sự khẳng định vị thế của bản thân trong xã hội. Hệ lụy của quan niệm này dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Thực tế nhiều sinh viên ra trường do không có năng lực thực sự nên không được các cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng để rồi thất nghiệp, phải làm những công việc không liên quan gì đến kiến thức đã được học. Mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh, phụ huynh cần suy nghĩ thật tỉnh táo, lựa chọn đúng phương án chọn trường, chọn nghề cho phù hợp với sở trường, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh thực tế của mình chứ đừng ảo tưởng (!)./.
Đức Linh