Nỗi lo nạn sách lậu, sách kém chất lượng trước thềm năm học mới

05:08, 09/08/2019

Năm nào cũng vậy, trước thềm năm học mới, khi nhu cầu về sách giáo khoa và đồ dùng học tập càng tăng cao, các bậc phụ huynh và các em học sinh lại đối diện với tình trạng sách lậu, sách giả tràn lan khó phân biệt trên thị trường. Thiệt hại lớn nhất từ vấn nạn sách lậu thuộc về các em học sinh, khi mua phải sách in lậu, các em phải học tập trên các cuốn sách có giấy kém chất lượng, mực in nhòe, thậm chí có nội dung sai lệch ảnh hưởng đến quá trình học tập. Trong tháng 5-2019, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị in lậu tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) gồm 47 nghìn cuốn sách và 87 nghìn đĩa CD gồm: sách giáo khoa, sách tham khảo, sách tiếng Anh cùng nhiều sản phẩm khác. Đầu tháng 6-2019, đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Bình Định lại phát hiện và thu giữ số lượng xuất bản phẩm lậu hơn 72 nghìn bản, phần lớn là sách giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Những cuốn sách bị làm giả phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, át-lát (Atlas) địa lý, đặc biệt là các loại sách tham khảo phần đa trên thị trường là sách lậu. Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, với sách giáo khoa, sách bổ trợ nếu mua phải sách in lậu, kém chất lượng thì giáo viên, học sinh và phụ huynh sẽ không sử dụng được các tiện ích, phần mềm hỗ trợ dạy và học được cung cấp trong sách thật. Ví dụ, sách tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được dán thẻ cấp quyền sử dụng phần mềm hỗ trợ vào bìa 4. Các sách mềm sẽ hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh tăng thời lượng thực hành, rèn luyện kỹ năng phát âm, tự làm bài tập và kiểm tra kết quả làm bài của mình. Với các sách tiếng Anh giả, người dùng sách sẽ không thể sử dụng các tiện ích này. Đáng lo ngại các cuốn sách giả với những sai sót về màu sắc và nét chữ sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức. Đặc biệt, đối với những cuốn sách có nội dung liên quan đến bản đồ sẽ nguy hiểm cho học sinh ở các kiến thức liên quan đến biên giới, biển, đảo và lãnh thổ của đất nước.

Trên thực tế, vấn đề in lậu đang là vấn nạn đã tồn tại trong thời gian dài từ năm này qua năm khác nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Không chỉ có sách giáo dục mà các loại sách văn học, kỹ năng sống, khoa học thường thức… đều bị in lậu với mức độ ngày càng tinh vi, bằng mắt thường khó có thể phân biệt được. Thậm chí, có cơ sở in lậu còn làm giả tem của nhà xuất bản để “lừa” độc giả. Trong khi đó công tác quản lý Nhà nước trong phòng, chống xuất bản phẩm lậu đến nay vẫn chưa đưa ra được những biện pháp thật sự hữu hiệu. Hiện nay, những cá nhân sai phạm in lậu sách vẫn chỉ bị xử lý hành chính chứ không hề có biện pháp nào mạnh hơn. Bên cạnh đó chế tài xử phạt đối với hành vi in, phát hành, xuất bản sách lậu còn quá nhẹ dẫn đến tình trạng sách lậu bày bán tràn lan. Để ngăn chặn nạn sách lậu rất cần có các biện pháp mạnh, không chỉ là phạt hành chính, bởi số tiền xử phạt thường là rất nhỏ (vài chục triệu) so với lợi nhuận thu được từ hành vi in và phát hành sách lậu.

Trong khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để nạn sách lậu, kém chất lượng, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, lời khuyên cho các bậc phụ huynh và học sinh trước thềm năm học mới nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các công ty sách - thiết bị trường học địa phương; không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, nhất là ở các vùng nông thôn - địa bàn mà các đối tượng buôn bán sách lậu hay hướng tới./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com