Theo thống kê hiện cả nước có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, chủ yếu là ở bậc học mầm non và tiểu học, chỉ có số ít trường nội trú bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. Việc các trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh khi các em có thêm thời gian để nghỉ ngơi vào buổi trưa, phụ huynh cũng không mất nhiều thời gian đưa đón. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn học đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển thể chất của trẻ. Trẻ phải được ăn đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng mới có thể phát triển tốt, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển thể chất người Việt Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây có hàng loạt trường học ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước bị phát hiện đã đưa thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào bữa ăn học đường, hàng trăm học sinh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Những vụ việc ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra khiến nhiều phụ huynh không khỏi e ngại, lo lắng về bữa ăn của con mình ở trường.
Vì sao vẫn liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học? Vì sao thực phẩm bẩn vẫn tuồn được vào bếp ăn nhà trường? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân do chế tài xử phạt vẫn còn khá lỏng lẻo, việc quy trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng. Trong khi sự công khai minh bạch trong trường học vẫn còn hạn chế thì vai trò giám sát của phụ huynh lại rất mờ nhạt. Vì vậy cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn với sự phối hợp đồng bộ của nhà trường và gia đình, đặc biệt là vai trò giám sát của phụ huynh về nguồn gốc thực phẩm cũng như quá trình chế biến thực phẩm (trên thực tế, phụ huynh rất ít khi được giám sát bữa ăn của con trong trường học, dù là người trả tiền cho các bữa ăn đó). Ban giám hiệu các nhà trường cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc cung ứng thực phẩm hàng ngày đối với bữa ăn của các con, không nên phó mặc cho bộ phận phục vụ nhà bếp và các đơn vị cung ứng thực phẩm, lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín, có ký hợp đồng trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó các ngành chức năng cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các bếp ăn bán trú tại các trường mầm non, tiểu học bởi hiện nay, hầu hết các trường học đều không có cán bộ đủ trình độ chuyên môn để có thể kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào của các bếp ăn, chủ yếu là mới kiểm tra bằng mắt thường nên không thể phát hiện được những thực phẩm bị nhiễm hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể đến việc nhiều nhân viên nhà bếp còn thông đồng với nhà cung cấp để chọn những thực phẩm rẻ tiền đưa vào bếp ăn trường học khiến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm càng tăng lên.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Các trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Đồng thời, các sở giáo dục cần tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa dễ bùng phát dịch bệnh.
Bếp ăn nhà trường là nơi phục vụ bữa ăn cho một số lượng lớn học sinh. Vì thế thực phẩm bẩn không chỉ gây hại cho một mà cho hàng trăm, thậm chí tới cả nghìn học sinh - những thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy chống thực phẩm bẩn xâm nhập học đường trở thành vấn đề bức thiết khi năm học mới sắp đến gần./.
Phương Mai