Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, thay vì đi du lịch, gia đình tôi về quê. Thuộc khẩu vị của con trai, mẹ dốc tâm nấu những món ăn ngon mà dân dã; trong đó không thể thiếu nồi riêu cua đồng phi gạch thơm lựng. Mâm cơm đã dọn ra nhưng vẫn thiếu mấy chùm sung xanh để ăn với riêu cua, mẹ lấy tiền, đưa cho cháu nội bảo sang nhà bà Bình có cây sung cổ thụ để mua. Thấy vậy, tôi nhanh nhảu: “Mẹ để con sang đó hái chứ bảo cháu mua, có khi lại ảnh hưởng đến tình cảm hàng xóm”. Mẹ cười cười, ý nhị: “Không sao đâu, con cứ để cháu đi mua. Ở quê mình giờ khác rồi!”…
Cơm nước xong, tôi tranh thủ sang ông Tốn là hàng xóm ở ngay trước nhà chơi. Cổng khóa, tin vào tình cảm láng giềng xưa nay, tôi cất tiếng gọi thân mật: “Ông Tốn đã ăn cơm chưa vậy?”. Tiếng ông Tốn từ trong nhà vọng ra: “Ai gọi gì đấy? Có việc gì cần không?”. Chờ mấy phút, không thấy người ra, tôi thất vọng quay về…
Buổi chiều, mẹ bảo mấy anh chị em tôi sang thăm một người trong xóm đang bị bệnh trọng. Thấy tôi định chuẩn bị một chiếc phong bì chung, mẹ bảo: “Người quê mình bây giờ cụ thể lắm. Các con cứ đóng phong bì riêng để sau này họ biết đường mà trả nợ (!)”…
Những điều “tai nghe, mắt thấy” trong chuyến về quê hôm nọ cứ ám ảnh tôi về “tình làng nghĩa xóm” hôm nay. Từ một vùng đất nghèo, đến nay cuộc sống của người dân quê tôi đã đổi thay rõ rệt. Nhà nào cũng tường xây, mái ngói hoặc mái bằng, “kín cổng cao tường”. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ở một số người, cuộc sống khá giả hơn nhưng tâm hồn lại nghèo đi (!). Cây sung nhà bà Bình trước kia trẻ con trong xóm thường xuyên đến trèo lên chơi, hái quả ăn, thậm chí ném trêu nhau, bà chẳng những không đuổi mà còn luôn miệng nhắc lũ trẻ chúng tôi leo trèo cẩn thận kẻo ngã. Thế mà giờ đây, khi bức tường gạch được dựng lên, cây sung nhà bà Bình đã trở thành cây hàng hóa (!). Còn ông Tốn là giáo viên bổ túc, luôn say mê với công việc và sống chan hòa với mọi người; nhà có cây hồng bạch cổ, lúc nào cũng có hoa, trẻ con cả xóm ho sốt đều được ông cho hoa và đường phèn để chữa. Từ khi các con phương trưởng, gửi tiền về nâng cấp căn nhà ngói thành mái bằng; phá hàng dậu ruối để xây tường bao, ngày ngày ông “cổng khóa, then cài”, hàng xóm dần dần ngại đến chơi…
Đành rằng khi điều kiện sống thay đổi thì con người trong cộng đồng cũng có sự đổi thay để thích ứng. Ở các làng quê hôm nay, trong cơ chế thị trường, quan hệ giữa người với người ít nhiều cũng bị lối sống thực dụng, vô cảm chi phối. Khi ấy, những tập quán, văn hóa, lối sống và những tình cảm tốt đẹp, bình dị cũng sẽ đổi thay. Tuy nhiên, với bản tính hướng thiện, dẫu thế nào, từ trong sâu thẳm mỗi con người, cái tình, cái nghĩa đậm đà nơi làng quê đã được ông cha ta xây đắp từ bao đời nay chắc chắn sẽ được gìn giữ và phát huy./.
Đức Linh