Người trồng hoa trên nghĩa trang liệt sĩ

08:05, 02/05/2019

Sau nhiều năm bỏ nhiều tâm sức chăm sóc, bà Nguyễn Thị Xuân ở xóm 3, xã Xuân Trung (Xuân Trường) đã làm nên chuyện cổ tích giữa đời thường khi tạo dựng được một vườn hoa quanh năm nở rực rỡ, ngát hương bên mộ các liệt sĩ của quê hương.

Bà Nguyễn Thị Xuân (thứ hai từ trái sang) cùng phụ nữ trong xóm thường xuyên chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ của địa phương. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Bà Nguyễn Thị Xuân (thứ hai từ trái sang) cùng phụ nữ trong xóm thường xuyên chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ của địa phương. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Về nhà bà Xuân đúng lúc bà đi vắng nhưng những nghĩa cử “tương thân tương ái”, làm nhiều việc thiện, đặc biệt là việc bà đã chăm sóc khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ quê hương thì ai cũng biết. Bà Trần Thị Thơm, nhà ở gần nghĩa trang cho biết: “Mấy ngày nay bà Xuân đi vắng nhưng đã giao lại cho cô con gái hàng ngày ra quét dọn và tưới cây. Nếu ở nhà, ngày nào bà ấy cũng ra đây để chăm sóc, bắt sâu. Ở nghĩa trang, mới đây bà Xuân đã trồng mới nhiều luống hoa mới, khoảng nửa tháng nữa hoa ở đây chắc chắn sẽ lại rực rỡ để chào mừng kỷ niệm chiến thắng 30-4… Bà Xuân không chỉ chăm sóc đơn thuần mà còn tính toán để những ngày lễ, nhất là dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Ngày Quốc khánh 2-9 hoa sẽ nở rực rỡ...". Biết bà Xuân đang có việc công đức ở huyện Nam Trực, chúng tôi hỏi địa chỉ để tìm gặp. Do đang bận nên bà hẹn gặp chúng tôi vào cuối buổi chiều. Với bộ quần áo nâu, dù ở tuổi gần 70 nhưng bà Xuân còn nhanh nhẹn, hồn hậu và cương nghị. Bà cho biết, những việc làm của bà là lòng tri ân đối với các liệt sĩ. Khi nhắc đến những luống hoa, đôi mắt bà ánh lên niềm tự hào. Bà cho biết, năm nay, ngoài các loại hoa quen thuộc như: mười giờ tây, dừa cạn, cúc, huệ, hồng, vạn tuế..., những luống hoa đơn bà mới mua giống với số tiền hơn 10 triệu đồng chắc chắn sẽ nở đỏ rực nghĩa trang vào thời gian tới. Nhớ lại cách đây hơn 10 năm khi bà mới trồng hoa ở nghĩa trang liệt sĩ là biết bao vất vả vì khi đó cỏ dại mọc um tùm, nghĩa trang hoang sơ bởi được xây dựng từ lâu, dù được địa phương chăm sóc vào dịp lễ, tết nhưng nhìn những ngôi mộ liệt sĩ lạnh lẽo, bà cảm thấy không yên lòng. Bà cho biết, 160 liệt sĩ nằm ở đây đều là những người làng, những người bạn cùng trang lứa với bà; đặc biệt có 2 anh trai chồng bà, người hy sinh năm 1967 ở Quảng Trị, người hy sinh năm 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bà không đành lòng khi thấy mẹ già ngày ngày thương nhớ các anh. Trước đây, gia đình đông con, các con lại đang tuổi ăn tuổi học, chồng bị bệnh và mất sớm nên gánh nặng dồn lên vai, mỗi lần ra nghĩa trang bà lại thắp lên mộ các liệt sĩ nén hương, lau bia mộ, quét dọn nghĩa trang sạch sẽ. Bà kể: “Ban đầu nhìn cỏ mọc um tùm, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Tôi tìm đến các chị trong đội tập tế của xã và hẹn sau mỗi buổi tập đến nghĩa trang dọn cỏ. Vậy là mỗi ngày tôi có thêm 15-20 chị làm giúp nên công việc trôi chảy hơn; sau đó nhiều người trong xã biết tin, tự nguyện đến cuốc đất, nhổ cỏ. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con trong xã, tôi mới hoàn thành được vườn hoa như hôm nay”. Tiếp đó, bà Xuân kiên trì đến các gia đình có hoa để xin về nhân giống. Từ một luống nhân ra nhiều luống, hiện nay nghĩa trang liệt sĩ của xã luôn ngập sắc màu của hoa mười giờ, hoa cúc, hoa huệ... Việc tưới hoa cũng mất nhiều công sức, bởi khu nghĩa trang khi đó không có nước. Vào các buổi chiều khi các con đi học về, chúng giúp bà ra ruộng xách nước chuyền tay nhau tưới hoa.

 Hiện tại, nghĩa trang liệt sĩ đã có hệ thống nước nên tiện cho bà tưới cây hàng ngày. Nhìn những luống hoa rực rỡ, bà như làm tròn được trách nhiệm thay chồng đền đáp công ơn các anh trai và như một người em, một người con của quê hương đền ơn đáp nghĩa công lao các anh hùng liệt sĩ. Ngoài việc trồng hoa, 10 năm qua, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), bà Xuân lại xin phép Đảng ủy, UBND xã Xuân Trung được làm lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, mỗi năm kinh phí từ 30 đến 80 triệu đồng. Các buổi lễ được tổ chức trang nghiêm với sự có mặt của nhiều tăng, ni, phật tử và đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Xuân cũng là thành viên tích cực trong phong trào “Lá lành đùm lá rách” của Hội Người cao tuổi xã Xuân Trung. Bà đến những người nhiễm chất độc da cam, bệnh nhân ung thư, người cô đơn, tàn tật, học sinh nghèo vượt khó để thăm hỏi, tặng quà. Với 6 người con, bà Xuân đã chắt chiu vượt khó nuôi con ăn học nên người. Đến khi trưởng thành và thành đạt trên các lĩnh vực, các con lại dành tiền gửi về để bà Xuân làm việc nghĩa. Riêng vườn hoa nghĩa trang liệt sĩ, bà Xuân đã giao cho con gái hiện đang làm giáo viên tại địa phương sau này thay bà chăm sóc để nơi đây lúc nào cũng có nhiều hoa tươi, hoa đẹp.

Chia tay bà khi trời đã xẩm tối, bà nhắn nhủ: Tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của mình và sẽ còn cố gắng cùng các con làm thêm nhiều việc có ích. Tôi mong các thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ, noi gương và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc để chúng ta có cuộc sống ấm no, tươi đẹp, thanh bình như hôm nay./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com