Trồng rau sạch ở phố

06:05, 10/05/2019

Sáng tháng Năm, nắng vàng rực rỡ. Trên sân thượng tầng ba của gia đình chị Phạm Thị Én, phường Hạ Long (Thành phố Nam Định) xanh mướt màu xanh của các loại rau, quả. Những khóm đỗ lúc lỉu quả vươn ngọn, cuốn chặt lên hàng rào. Từ các nách lá, bụi dưa chuột nếp vừa nhú vài quả non còn vương phấn trắng mịn. Giàn thiên lý buông thả trong gió mấy chùm hoa thơm ngát. Phía dưới, trong những thùng xốp trồng theo phương pháp thủy canh, rau muống, cải ngọt đang lên non mơn mởn. Vừa nhanh tay thu hoạch đỗ và những quả cà chua chín cây đỏ mọng, chị Én vừa chia sẻ với chúng tôi câu chuyện thú vị về trồng rau sạch ở phố.

Chị Phạm Thị Én, phường Hạ Long (Thành phố Nam Định) thu hoạch rau sạch.
Chị Phạm Thị Én, phường Hạ Long (Thành phố Nam Định) thu hoạch rau sạch.

Chị Én là người từ nông thôn lên thành phố sinh sống, lập nghiệp. Vốn quen với đồng ruộng, vườn tược nên những ngày cuối tuần rảnh rỗi, chị thường mày mò tìm cách tự trồng rau xanh. Mấy năm gần đây, tình trạng nông sản, hoa quả, rau ăn hàng ngày bị lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu gây lo ngại cho người tiêu dùng. Có lần mua rau ở chợ về ăn, luộc xong chưa kịp nguội, nước chuyển màu xanh khác lạ, phải đổ bỏ, từ đó chị càng quyết tâm phải trồng rau sạch để phục vụ nhu cầu tối thiểu hàng ngày, đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Để chuẩn bị cho việc trồng rau sạch, chị xin các thùng xốp, chậu nhựa về, đục lỗ cho thoát nước, lót đất dưới đáy, phủ một lớp cuống rau xanh rồi đổ thêm một lớp đất lên trên. Với phương pháp thủy canh, các thùng xốp được cắt ngắn bớt còn khoảng 20cm, đổ nước vào. Chị trộn đều xơ dừa, phân hữu cơ, trấu với tỷ lệ bằng nhau, cho vào các cốc nhựa dùng một lần đã được đục thủng lỗ rồi xếp vào thùng xốp, gieo hạt. Cây ra rễ, tự hút nước lên, không cần phải tưới. Sau khi ăn hết rau, chị cắt chừa lại phần thân cây, lộn ngược xuống đáy cốc làm phân xanh. Trồng theo phương pháp thủy canh còn có lợi thế là khi nước mưa chảy xuống các thùng xốp dùng không hết có thể tưới cho các cây khác trồng trên chậu. Chị Én cho biết, do trồng trên sân thượng nên ít có sâu hại cây. Tuy nhiên, ngay khi sâu xanh, bọ có cánh, rệp, muội, bọ xít... mới xuất hiện, chị dùng dung dịch ớt, tỏi ngâm dấm pha loãng với nước, cho vào bình xịt phun lên mặt lá để tiêu diệt, phòng ngừa và xua đuổi sâu bọ; đồng thời làm tăng đáng kể sức đề kháng tự nhiên của cây. Nhờ đó, các loại rau chị trồng đều phát triển khỏe mạnh, các bệnh gặp trên cây cũng giảm dần và hết. Để tăng năng suất và hiệu quả, với mỗi loại cây, chị áp dụng cách trồng phù hợp. Đối với loại rau ăn củ, quả như dưa chuột, mướp đắng, cà chua, ớt, đỗ..., chị trồng trực tiếp vào các thùng xốp. Với các loại rau ăn lá như cải, muống, mồng tơi, rau thơm... thì trồng theo phương pháp thủy canh. Mỗi năm một lần, vào tháng 6 nắng to, chị đổ đất ra phơi làm cho đất tơi xốp và diệt mầm bệnh. “Trồng chơi, ăn thật”, chị Én cho biết ngoài nguồn rau xanh đủ loại đảm bảo cho bữa ăn hàng ngày, chị còn trồng cả dưa ếch, khế, bưởi; riêng cây chanh trồng trong chậu cảnh mùa trước cho thu hoạch khoảng 3kg quả. Để tận dụng không gian và diện tích trên sân thượng, thời gian tới, chị dự định sẽ làm thêm giá sắt để có thể đặt được nhiều chậu rau hơn...

Thuận lợi hơn chị Én, bà Nguyễn Thị Quế ở Khu đô thị Hòa Vượng tranh thủ mượn mảnh đất của hàng xóm ngay cạnh nhà để trồng rau sạch. Do đất trồng có nhiều cát nên đi đâu, thấy có đất phù sa, đất thịt, bà đều xin một vài bao, phơi khô đập vụn rải lên. Đi chợ, bà xin lá rau già, cuống rau về thái nhỏ rắc lên mảnh đất. Ngoài các loại rau muống, rau lang, rau ngót xin giống mỗi lần về quê, mùa nào thức ấy, bà còn mua thêm hạt cải, rau dền, mồng tơi về gieo. Trung bình mỗi gói hạt giống 10 nghìn đồng gieo được 4-5 lần. Ăn cà chua, thấy loại quả to, nhiều bột, bà lấy hạt phơi khô, gieo thành cây con để trồng. Sau dịp Tết, thấy người dân vất bỏ cành đào rừng, bà nhặt về bắc thành giàn trồng mướp, su su, gấc, củ mỡ, bí đỏ. Cây quất cũng được trồng vào góc, lấy quả hấp mật ong mỗi khi trong nhà có trẻ bị ho. Nước tưới được tận dụng từ nước rửa rau, vo gạo, nước mưa. Từ khu đất chỉ toàn cát, gạch vụn, không tốn quá nhiều công sức, dưới bàn tay tần tảo của bà dần dần đã trở thành mảnh vườn màu mỡ với nhiều loại cây trồng không khác nào ở quê. Từ rau ăn, rau thơm như húng quế, hẹ, lá mơ, lá lốt, diếp cá, ớt, rau ngót, dền Nhật, mồng tơi, dọc mùng, vài cây cà tứ thời đến các loại cây ăn quả như khế, na, đu đủ, gấc. Trung bình mỗi năm, bà còn thu hoạch vài yến củ mỡ làm nguồn dự trữ trong những mùa khan hiếm rau xanh. Bà Quế cho biết: “Rau sạch mua tại các trung tâm nông sản, cửa hàng có uy tín trong thành phố dù rất yên tâm về chất lượng nhưng giá cả khá đắt đối với phần đông người dân, nhất là với những người lương hưu thấp như tôi. Vì vậy, vườn rau sạch tự trồng không chỉ tạo nguồn rau đủ dùng an toàn cho gia đình mà còn giúp tôi khỏe mạnh hơn vì được lao động chân tay hàng ngày”.

Ngoài chị Én và bà Quế, dạo quanh nhiều nơi trên phố, ta đều thấy những khoảnh vườn trồng rau sạch xanh mướt. Bằng sự cần mẫn, nhiều gia đình ở phố đã và đang tạo ra nguồn rau chi phí rẻ, đảm bảo cho sức khỏe, vừa thỏa nỗi nhớ vườn tược, ruộng đồng của những người con xa quê./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com