Thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đến nay nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện Hải Hậu đã đi vào nền nếp. Các thôn, xóm, tổ dân phố đều xây dựng và đưa việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội thành quy ước nếp sống văn hóa của địa phương, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại gia đình văn hóa, làng văn hóa, góp phần làm cho đời sống văn hóa cộng đồng phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ.
Gia đình ông Hoàng Văn Thanh, xóm 1, xã Hải Phương là gia đình văn hóa tiêu biểu, nhiều năm liền thực hiện tốt nếp sống văn minh. |
Thực hiện các quy ước NSVM trong việc cưới, lễ đăng ký kết hôn ở hầu hết các địa phương trong huyện được tổ chức trang trọng đúng luật; nam nữ đăng ký kết hôn được tặng tài liệu về KHHGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều năm qua, Phòng VH-TT đã phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức phát động phong trào “Cưới văn minh, cưới tiết kiệm”, “CLB gia đình trẻ hạnh phúc”, vận động đoàn viên thanh niên thực hiện cưới theo nếp sống mới. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tích cực tham gia hưởng ứng, gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt việc tổ chức cưới theo NSVM. Hiện nay, mỗi năm toàn huyện có từ 1.000-1.200 đám cưới; trong đó, trên 80% số đám cưới được tổ chức theo NSVM, 10% đám cưới tổ chức theo hình thức tiệc ngọt, 20% đám cưới không mời thuốc lá... Nhờ đó, nhiều thủ tục rườm rà tổ chức lễ cưới đã được giảm bớt, các nghi thức như: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ lại mặt... được tổ chức giản dị nhưng trang trọng đầm ấm. Nhiều nét đẹp văn hóa đã dần dần hình thành trong các đám cưới. Ở hầu hết các địa phương, lễ ăn hỏi chỉ diễn ra trước ngày cưới 1 ngày; lễ đón dâu được tổ chức trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình, địa phương và sự tiến bộ của xã hội. Về xóm 10, xã Hải Phương, chúng tôi được chứng kiến đám cưới của con trai ông Trần Văn Khánh. Được UBND, Uỷ ban MTTQ xã vận động thực hiện NSVM trong việc cưới, gia đình ông Khánh đã tổ chức lễ cưới cho con tại NVH xóm. Tại nhà riêng, gia đình chỉ tổ chức tiệc mặn trong phạm vi anh em trong họ và bà con chòm xóm. Đồng chí Trần Minh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phương cho biết, đến nay việc tổ chức đám cưới theo NSVM ở xã dần đi vào nền nếp, không còn tình trạng tổ chức đám cưới linh đình, phô trương như trước. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức của xã luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện quy ước NSVM khi tổ chức đám cưới cho con cháu. Đám cưới được tổ chức tại NVH xóm được đông đảo nhân dân hưởng ứng vì tiện lợi, chi phí thấp. Xã Hải Thanh cũng là địa phương trong huyện thực hiện tốt NSVM trong việc cưới. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện về xây dựng quy ước nếp sống văn hóa, Đảng uỷ, UBND xã đã ban hành Đề án “Thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội”. Với việc quan tâm chỉ đạo của xã, “việc cưới” ở cả 13 xóm đã đi vào nền nếp. Nam, nữ đủ tuổi kết hôn khi đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn phải có đơn đề nghị, nộp đủ giấy tờ theo quy định tại bộ phận hành chính “một cửa”; UBND xã đăng ký kết hôn cho các cặp vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình trước sự chứng kiến và ký cam kết thực hiện NSVM của hai bên gia đình. Việc tổ chức đám cưới, gọn nhẹ, tiết kiệm, hạn chế việc ăn uống linh đình lãng phí; nghiêm cấm dùng nhạc sống, đèn chớp, đèn nháy, đèn khói… Việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT và trật tự công cộng. Ở một số xóm trong xã như: Nguyễn My, Vĩnh Hiệp, Xướng Cau, Xướng Chử… còn quan tâm hỗ trợ về thiết bị âm thanh, trang trí, chương trình văn nghệ, người dẫn chương trình khi tổ chức lễ cưới cho các gia đình.
Trong việc tang, đến nay, hầu hết tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được quy chế NSVM trong việc tang để phổ biến trong các khu dân cư và trưng cầu ý kiến nhân dân, đề nghị HĐND xã, thị trấn ra nghị quyết phê chuẩn để tổ chức thực hiện. Ở xã Hải Minh, Ban văn hoá xã thường xuyên phối hợp với các xóm và các hộ gia đình thống nhất quy chế cụ thể yêu cầu lễ tang phải diễn ra trang trọng, văn minh, phải kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí; khuyến khích hỏa táng. Trong đám tang hạn chế tối đa số lượng vòng hoa viếng. Thi hài người quá cố không được để quá 48 tiếng kể từ sau khi qua đời. Trong thời gian tổ chức lễ viếng không cử nhạc tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh không vượt quá độ ồn cho phép. Tại xã Hải Phúc, thực hiện NSVM trong việc tang, công tác quản trang và quy hoạch mộ theo tiêu chí xây dựng NTM. Việc xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch, đảm bảo tiện lợi cho việc chôn cất. Các nghĩa trang đều ở xa khu dân cư, được phân khu hung táng, cát táng riêng.
Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hoá, việc tổ chức các lễ hội ở các địa phương trong huyện đều theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Các xã, thị trấn đều thành lập Ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích, phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan di tích. Việc quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm; nhiều trò chơi dân gian được khôi phục. Ban tổ chức lễ hội đã thực hiện đầy đủ các nội dung chương trình lễ hội tập trung giải quyết các vấn đề: vệ sinh môi trường, nạn hành khất, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp, bán hàng, đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội… Bên cạnh đó, các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo với những nghi lễ tế, rước truyền thống và các trò chơi dân gian, dân vũ được khôi phục, đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời quảng bá thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc thực hiện tốt quy ước NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã tác động tích cực đến phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” ở các xã, thị trấn trong huyện. Đến nay, toàn huyện có 80.249/93.310 hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”, chiếm tỷ lệ 86%; 392/546 xóm được công nhận “Làng văn hóa”, chiếm tỷ lệ 71,8%. Những kết quả đạt được trong việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Hải Hậu đã và đang góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng