Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Túy, sinh năm 1963 ở xóm Thịnh, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) là một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình, thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đối với những CCB, con CCB khó khăn về kinh tế, giúp họ có cuộc sống ổn định.
CCB Trần Văn Túy ở xóm Thịnh, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) hướng dẫn công nhân làm việc. |
Tham gia quân ngũ tháng 4-1981 ở đơn vị D28, F325, Quân đoàn 2 làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, đến năm 1983, anh Tuý được cử đi học sửa chữa thông tin vô tuyến điện tại Trường Trung cấp Kỹ thuật thông tin. Năm 1986, anh ra trường về Bộ Tham mưu của Quân đoàn 2 công tác đến năm 1991 thì ra quân về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình. Những ngày đầu về địa phương, CCB Trần Văn Túy đã vận dụng những kiến thức được học trong trường và trong thời gian quân ngũ mở dịch vụ sửa chữa điện tử ngay tại địa phương. Sau một thời gian mở cửa hàng, bản thân anh nhận thấy địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, thời gian nhàn rỗi nhiều. Bên cạnh đó, tại địa phương đã có nghề may phát triển và trên địa bàn xã chưa có mấy hộ làm nghề tái chế bông vải sợi mà nguyên liệu trên địa bàn xã thì rất nhiều, anh đã tìm tòi, nghiên cứu quy trình tái chế bông vải sợi. Anh còn lặn lội đến Hải Phòng, Thái Nguyên… để học hỏi quy trình. Được sự giúp đỡ của các đồng đội, sự động viên của anh em họ hàng, anh đã bắt đầu làm thử nghiệm và đạt được những thành công ban đầu. Để sản xuất, kinh doanh đi vào ổn định, khó khăn nhất đối với CCB Túy lúc mới bắt tay vào làm là vốn. Năm 2008, được Hội CCB xã cho vay 5 triệu đồng cộng với sự giúp đỡ hỗ trợ của anh chị em, người thân trong gia đình và bạn bè, anh đầu tư mua máy móc, thành lập xưởng tái chế bông tái sinh trên diện tích rộng 200m2. Anh Túy nhớ lại những ngày đầu bước ra thương trường phải nhờ những người thân quen đi giới thiệu sản phẩm, chào bán khắp nơi và cam kết về chất lượng sản phẩm. Nhờ nhanh nhạy trong việc giới thiệu sản phẩm, cơ sở sản xuất tái chế bông vải sợi của anh đã dần có lượng khách quen ổn định. Với những nỗ lực không ngừng cùng nghị lực, quyết tâm của một CCB, cơ sở sản xuất của anh Túy đã cung cấp các sản phẩm từ bông cho nhiều cơ sở sản xuất khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung và nước bạn Lào. Trung bình một tháng, cơ sở của anh sản xuất được 50-70 tấn sản phẩm các loại đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Có vốn, anh tiếp tục mở rộng quy mô xưởng cũng như đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm tới các khách hàng. Hiện tại, cơ sở sản xuất của gia đình anh có diện tích rộng 1.200m2 với 2 dàn máy quai bông theo công nghệ hiện đại, tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động chủ yếu là những CCB, con em CCB có hoàn cảnh gia đình khó khăn vào làm việc với mức lương từ 6-7,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Túy chia sẻ: là người lính từng đồng cam cộng khổ nên biết được các CCB có hoàn cảnh khó khăn không có công việc ổn định, tôi đã cố gắng giúp đỡ họ vào làm việc để họ có công việc ổn định nuôi sống bản thân và gia đình… Tiêu biểu trong số lao động tại cơ sở của anh như trường hợp của bà Trần Thị Lăng, 60 tuổi ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) thuộc diện cô đơn không nơi nương tựa, được gia đình anh Túy nhận vào làm việc đã giúp bà có được công việc ổn định. Bà Lăng cho biết: Từ khi được vào làm việc tại cơ sở sản xuất bông tái chế của gia đình anh Túy, tôi đã tự nuôi sống bản thân mà không cần đến sự hỗ trợ của người khác. Hay trường hợp của CCB Trần Xuân Tưởng sinh năm 1964, ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ bị bệnh tim bẩm sinh thường xuyên đau ốm. Được anh Túy nhận vào làm, từ đó ông Tưởng thêm thu nhập chăm lo cho con cái học hành đầy đủ và cải thiện kinh tế gia đình… Không dừng lại ở đó, năm 2014, anh Túy đã thành lập Cty TNHH Loan Túy. Chia sẻ về thành công ngày hôm nay, anh cho biết: Có được thành công đó là nhờ có sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Hội CCB xã đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi, từ đó tôi có điều kiện phát triển sản xuất và giúp đỡ những người khó khăn.
Không chỉ là một CCB làm kinh tế giỏi, anh Túy còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa của địa phương. Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Túy là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó vươn lên, phát huy bản chất của người lính Cụ Hồ không cam chịu đói nghèo, nắm bắt những cơ hội để vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh