Tăng cường công tác truyền thông và giáo dục về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

09:04, 26/04/2016
Thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ)”, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, những năm qua công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về DS-KHHGĐ được tăng cường, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thái độ, hành vi của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu công tác DS-KHHGĐ. 
 
Trong giai đoạn 2005-2010, công tác truyền thông, giáo dục chính sách DS-KHHGĐ đã góp phần thay đổi trong các tầng lớp nhân dân quan niệm về hôn nhân và sinh đẻ. Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện gia đình ít con (một hoặc hai con), xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tỉnh ta cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của chiến lược dân số. Phần lớn chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra: Giảm tỷ suất sinh thô từ 15,46 0/ 00 (năm 2011) xuống còn 14,59 0/ 00 (năm 2015). Giảm tốc độ gia tăng dân số tự nhiên từ 9,76 0/ 00 (năm 2011) xuống còn 9,24 0/ 00 (năm 2015). Tỷ lệ sản phụ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc từ 87% (năm 2011) lên 95% (năm 2015). Tỷ lệ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại từ 76,27% (năm 2011) lên 77,68% (năm 2015). Tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS thân thiện cho vị thành niên và thanh niên từ 7 điểm (năm 2011) lên 16 điểm (năm 2015)... Điều ghi nhận là những năm qua, công tác truyền thông triển khai các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số trong toàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Tiêu biểu là: Triển khai “Đề án tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân giai đoạn 2011-2015”, toàn tỉnh đã thành lập 66 CLB tại 33 xã, trung bình mỗi CLB sinh hoạt tháng một lần, thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGD, Hội KHHGĐ, Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thành lập các mô hình CLB: “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”, “Các bậc cha mẹ với sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên”; “Mẹ và con gái”; “Nhóm ông bố có con tuổi vị thành niên”… Thời gian qua, các mô hình CLB trong tỉnh đã tổ chức 1.143 buổi sinh hoạt, thu hút 284.562 lượt người tham dự. Các ngành chức năng cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, hội thi, sinh hoạt CLB, diễn tiểu phẩm, giao lưu nâng cao kỹ năng, kiến thức về nuôi dạy con và tổ chức cuộc sống gia đình cho bà mẹ có con dưới 16 tuổi, kiến thức tiền hôn nhân. Đối với “Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2015”, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, vận động để từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, có 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai đề án, trong đó trọng tâm vào vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngành DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh với hơn 300 đại biểu tham dự và 119 buổi hội nghị cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã với 8.375 lượt người tham gia. Tổ chức 20 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho cộng tác viên dân số; cán bộ dân số và cán bộ tư pháp xã với 2.390 lượt người tham tập huấn. Tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh trên hệ thống truyền thanh ở xã với 11.365 buổi phát tin và 6.029 tin bài được phát. Tổ chức cung cấp thông tin về giới tính khi sinh cho 9.643 cặp đăng ký kết hôn; 1.118 buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản nghiêm cấm chọn lựa giới tính khi sinh thu hút 118.495 lượt người tham gia. Xây dựng và duy trì sinh hoạt hằng tháng 2.472 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tỉnh triển khai tại 3 huyện ven biển (Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy) đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực về công tác dân số, người dân nơi đây được hưởng các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ một cách đồng bộ.
Khám bệnh cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Khám bệnh cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Nhờ thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động người dân tham gia công tác DS-KHHGĐ tại địa phương, nên số người được thực hiện các biện pháp tránh thai, thực hiện các dịch vụ CSSK-KHHGĐ ngày một cao, mức sinh giảm và chất lượng dân số được cải thiện. Trong 5 năm, tỷ suất sinh thô bình quân hằng năm tỉnh ta giảm khoảng 0,21 0/ 00. Tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đã từng bước được kiểm soát và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra (năm 2011 là 120 trai/100 gái, năm 2015 giảm, còn 115 trai/100 gái).
 
Ngày 6-1-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 02 về thực hiện Chiến lược DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020 tỉnh Nam Định. Mục tiêu đến năm 2020 là: Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ DS-KHHGĐ. Nâng cao chất lượng dân số; hạn chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; đáp ứng tốt nhu cầu CSSKSS, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số; triển khai hiệu quả tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và khuyến khích thu phí dịch vụ KHHGĐ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để thực hiện các mục tiêu trên, cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ, các cấp, các ngành cần triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục về công tác DS-KHHGĐ với những nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Đặc biệt cần chú trọng tới khu vực khó khăn, khu vực chưa đạt các chỉ tiêu về dân số, đối tượng khó tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức, thái độ thực hành dân số, sức khỏe sinh sản. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác DS-KHHGĐ. Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng việc triển khai các đề án, mô hình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng công tác DS-KHHGĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có tại các cơ sở siêu âm, cơ sở sử dụng kỹ thuật cao hướng dẫn sinh con theo ý muốn, cơ sở nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Tiếp tục phát huy sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-SKSS-KHHGĐ để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chương trình./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com