Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trẻ em được chăm lo cải thiện cuộc sống, được học tập, được vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tai nạn đuối nước. Thực trạng này diễn ra tập trung ở vùng nông thôn, nơi có sông, hồ, nhất là trong những tháng hè và luôn là vấn đề cần được quan tâm.
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Sữa (TP Nam Định). |
Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, trong năm 2015, toàn tỉnh có 211 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích với 54 trẻ em bị tử vong. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi bị tai nạn thương thương tích là 73 em, chiếm 35%; số trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi là 138 em, chiếm 65%; trong số trẻ em bị tai nạn thương tích, số trẻ em bị tai nạn thương tích tại gia đình là 113 em, chiếm 53,5%. Trẻ bị tai nạn thương tích chủ yếu là do ngã, tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngộ độc, súc vật cắn… Tai nạn thương tích gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ bởi đây là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển về tâm, sinh lý và thể lực, đặc biệt tai nạn đuối nước thường dẫn đến tử vong. Nguyên nhân do kiến thức về an toàn trong cuộc sống của người dân còn hạn chế; cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ chặt chẽ; môi trường sống của trẻ em ở một số nơi chưa thật sự an toàn và người dân chưa có ý thức phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em. Trong khi đó, trẻ em vốn hiếu động, thích phám phá, thích leo trèo, nghịch ngợm, tắm ở sông, ao hồ, không nhận thức hết được những nguy hiểm có thể xảy ra. Để chủ động khắc phục thực trạng này, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; Kế hoạch triển khai Tháng Hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là việc phòng chống tai nạn thương tích tại các vùng trọng điểm nhằm tiếp tục tạo chuyển biến về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình vận động xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện cho mọi trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo có một kỳ nghỉ an toàn, lành mạnh. Các địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sơ, cấp cứu các trường hợp khi bị tai nạn thương tích cho cán bộ, cộng tác viên tại cộng đồng; lồng ghép tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường… Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở cơ sở nhằm giảm số trẻ em bị tai nạn, thương tích tại gia đình, trường học, cộng đồng; nâng cao kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thầy, cô giáo; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc áp dụng các biện pháp thúc đẩy việc xây dựng mô hình: “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”; đẩy mạnh xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Các trường học cũng tổ chức mở lớp huấn luyện bơi cho các em học sinh trong dịp hè. Các em được trang bị những kỹ năng bơi phổ thông như làm quen với môi trường nước, các hoạt động của động tác tay, chân, phối hợp tay, chân, thở và những kiến thức cơ bản khác nhằm giúp các em chủ động xử lý tình huống nguy hiểm khi tiếp xúc với nước góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ trong mùa hè… Đặc biệt là việc quản lý, định hướng và tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, bổ ích cho trẻ em trong cuộc sống, trước mắt là những tháng nghỉ hè là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần được cần được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo… Các khu dân cư, tổ dân phố cần chú trọng vận động các nguồn lực trong nhân dân để đóng góp tổ chức các hoạt động văn hóa hè thiết thực cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn. Các nhà trường, tổ chức Đoàn Thanh niên, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Khuyến học cơ sở cần chủ động hơn nữa trong các hoạt động định hướng và tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhỏ; chú trọng huấn luyện, rèn luyện các kỹ năng về bơi, về phòng tránh các tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, về Luật Giao thông đường bộ... Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần nhận thức và thay đổi môi trường nhằm phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Gia đình, các bậc cha mẹ, ông bà cần quan tâm, hướng dẫn, dạy cho trẻ kỹ năng nhận biết và phòng tránh những mối nguy hiểm trong sinh hoạt, như không sờ vào ổ điện, tránh xa bếp lửa, nước sôi, cách lên xuống cầu thang an toàn, không tham gia các trò chơi điện tử bạo lực...
Bên cạnh tạo môi trường an toàn cho trẻ, các bậc phụ huynh và người trông giữ trẻ cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng sơ, cấp cứu để có thể xử lý kịp thời, đúng cách khi có trẻ bị tai nạn. Đồng thời động viên các em đến với thư viện, ôn tập văn hóa hè và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích tại các Trung tâm, Nhà văn hóa thiếu nhi./.
Bài và ảnh: Minh Tân