Xử lý Mũ bảo hiểm rởm - Trách nhiệm của cơ quan quản lý, không phạt dân

06:03, 15/03/2013

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa chủ trì cuộc họp bàn lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. Bộ trưởng khẳng định, không phạt người sử dụng MBH thời trang, MBH không dán tem… chỉ phạt người không đội MBH hoặc đội MBH không đúng quy cách, MBH không đủ cấu tạo 3 bộ phận. Tránh nhiệm xử lý MBH rởm thuộc về các cơ quan quản lý.

Dự thảo lần này có 79 Điều với 5 Chương quy định về xử phạt hành vi, mức phạt, hình thức xử phạt các vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, vi phạm trật tự ATGT… Tuy nhiên vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận chủ yếu là lĩnh vực xử phạt sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chuẩn; xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện và không nộp phí bảo trì đường bộ.

Theo bà Lê Minh Châu - Phó vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT, sau khi dự thảo lần hai của Nghị định được đăng tải rộng rãi để lấy ý kiến người dân, đã có 300 ý kiến tham gia góp ý. Trong đó, đa số không đồng tình khi đưa mức xử phạt người chưa sang tên đổi chủ vào Nghị định vì cho rằng các văn bản pháp lý để người dân đi sang tên xe chưa đầy đủ.

Đồng quan điểm này, bà Trịnh Minh Hiền - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cũng cho rằng, hành vi phạt người chưa sang tên đổi chủ là chính xác, nhưng hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn người dân đi sang tên phương tiện chưa thật rõ ràng nên dự thảo Nghị định chưa nên đưa nội dung phạt hành vi này vào.

Kiên quyết xử lý hoạt động sản xuất và kinh doanh MBH kém chất lượng. Ảnh: Internet.
Kiên quyết xử lý hoạt động sản xuất và kinh doanh MBH kém chất lượng. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ đường sắt, lại cho rằng, các văn bản quy định về hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã rõ ràng, việc xử phạt không phải là mới. Chỉ từ khi thực hiện Nghị định 71, mức phạt cao nên người dân phản ứng. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét lại mức phạt. Do vậy, cần đưa quy định phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện trong dự thảo Nghị định.

Thượng tá Đỗ Văn Cương - Vụ Pháp chế, Bộ Công an, cho biết, Bộ có văn bản hướng dẫn đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là Thông tư 36 và 12, sắp có hiệu lực. Đối với phương tiện chuyển giao nhiều chủ sẽ thực hiện theo Thông tư 12 và đến hết 2014, nếu phương tiện không được sang tên sẽ xử phạt. Do vậy, quy định cũng như lộ trình để cho chủ phương tiện đi sang tên xe đến nay đã đầy đủ. Việc phạt người không sang tên phương tiện là đúng, vấn đề là mức phạt thế nào cho hợp lý. Ông Cương cũng cho rằng MBH giả cần được xử lý và đưa vào Nghị định này.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cơ sở pháp lý để xử lý hành vi chưa chuyển quyền phương tiện đã có nhưng tính khả thi chưa cao. Nên phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện khi phạt nguội hoặc trong quá trình điều tra các vụ TNGT. Bà Thoa cũng khẳng định MBH cần bảo đảm chất lượng, rất cần phạt mạnh tay cơ sở sản xuất MBH không đảm bảo chất lượng.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban soạn thảo Nghị định tiếp tục tiếp thu ý kiến hoặc giải trình góp ý của thành viên Ban soạn thảo cũng như của người dân. Nghị định này phải tuân thủ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt và các văn bản luật liên quan.

Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành của các Nghị định trước đây, nhưng sẽ lấy ý kiến rộng rãi để sửa đổi cho phù hợp; phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn gắn với công tác bảo đảm ATGT. Quy định xử phạt phải tương ứng với tính chất, mức độ và đảm bảo được tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật. Nghị định phải thống nhất quan điểm dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh hiểu kiểu gì cũng được; tránh phiền hà cho dân. Nghị định cũng không đặt mục tiêu xử phạt mà đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trách  nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người dân chấp hành luật pháp; tránh khuynh hướng không quản được thì phạt, cấm.

Xử phạt hành vi không nộp phí sử dụng đường bộ là cần thiết, có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên đề nghị Bộ Tài chính đưa vào Nghị định xử phạt trong lĩnh vực phí và lệ phí. Luật hiện hành đã có quy định xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, các Nghị định trước đây như NĐ 15, NĐ 34, NĐ 71 cũng đã quy định.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện NĐ 71, mức phạt cao, tính khả thi không cao, đề nghị Ban soạn thảo đưa ra khỏi Dự thảo Nghị định này để Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét, nghiên cứu, khi có những văn bản pháp luật đồng bộ, tính khả thi cao mới đề nghị bổ sung vào Nghị định hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác. “Chúng ta phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Nếu các bộ, ngành vẫn có ý kiến khác nhau, theo quy trình sẽ trình ý kiến Chính phủ biểu quyết và quyết định. Vấn đề xử lý MBH cần cân nhắc, thận trọng. 4 bộ đã ký Thông tư Liên bộ về sản xuất và kinh doanh MBH. Dự thảo Nghị định phải ghi rõ 3 nội dung: Xử phạt người đi mô tô, xe gắn máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai. MBH phải cấu tạo đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động bên trong và có quai đeo. Xử lý MBH không đạt chuẩn là trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước. Không phạt người dân đội MBH không dán tem./.

Theo giaothongvantai.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com