Khó khăn trong thực hiện tăng định biên, giảm giờ làm cho giáo viên mầm non

07:03, 14/03/2013

Theo Thông tư liên tịch số 71/2007 của Bộ GD và ĐT và Bộ Nội vụ  quy định về định mức biên chế cho giáo viên mầm non thì cứ 1 giáo viên dạy 1 lớp trẻ từ 20-25 cháu không bán trú, 2 giáo viên/1 lớp trẻ từ 25-30 cháu bán trú 100%; nếu mỗi lớp mẫu giáo tăng thêm 10 cháu thì được bố trí thêm 1 giáo viên; Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định, giờ làm cho giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập là 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, hiện nay, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể thực hiện được các quy định này.

Ở các trường mầm non, phần lớn giáo viên đều phải làm việc bình quân trên 10 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 6h30 sáng đến 17h chiều, chưa kể tình trạng nhiều phụ huynh đón con muộn giáo viên cũng phải ở lại trông trẻ. Bên cạnh áp lực về thời gian, giáo viên mầm non còn chịu áp lực về khối lượng công việc khi không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mà còn phải tìm các tài liệu liên quan, làm đồ dùng dạy học, nhất là giáo viên phụ trách nhóm trẻ 5 tuổi phải tổ chức nhiều hoạt động, làm sổ sách phổ cập… Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuyển dụng, thu hút giáo viên mầm non nhưng hiện nay, toàn ngành vẫn còn thiếu khoảng 400 giáo viên đứng lớp. Vì vậy, hiện nay có lớp số trẻ lên đến trên 40 cháu, với 100% bán trú nhưng chỉ có trung bình 1,5 giáo viên đứng lớp. Cô giáo Nguyễn Ngọc Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định) cho biết: Hiện tại số giáo viên đứng lớp ở trường chưa đủ định biên, trong khi trường có uy tín nên nhu cầu gửi con của phụ huynh rất lớn, sĩ số của mỗi lớp cao, trường đã phải tuyển thêm giáo viên hợp đồng song vẫn khó khăn; nhất là khi có giáo viên ốm hay nghỉ thai sản nhà trường phải bố trí người dạy thay, ảnh hưởng đến định biên của mỗi lớp và quyền lợi của giáo viên.

Cô và trò Trường Mầm non xã Yên Tiến (Ý Yên) trong giờ kể chuyện.
Cô và trò Trường Mầm non xã Yên Tiến (Ý Yên) trong giờ kể chuyện.

Không riêng gì những trường “điểm” ở thành phố chịu áp lực về sĩ số, nhất là ở các lớp 5 tuổi khiến việc thực hiện định biên giáo viên ở mỗi lớp học khó khăn, mà ở nhiều trường, trong đó có cả trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ở các huyện cũng chưa thực hiện được quy định này do thiếu giáo viên (không đủ nguồn tuyển hoặc trường, địa phương không có kinh phí để trả lương theo diện hợp đồng theo đủ định biên). Bên cạnh đó, giáo viên mầm non còn thiệt thòi so với giáo viên các bậc học khác khi không được nghỉ một số tiết dạy trong tuần, phải đi làm suốt tuần, trực buổi trưa mà không được hưởng bất kỳ một chế độ nào khác. Công việc nhiều, thiếu giáo viên so với quy định, dẫn đến áp lực về giờ làm là tình trạng chung của các giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh hiện nay. Để chăm lo cho đội ngũ giáo viên mầm non, tỉnh đã chuyển đổi 258 trường mầm non bán công sang công lập và tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, xóa phòng học tạm, phòng học mượn, xuống cấp, xây dựng phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ... Về chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên, từ chỗ không có biên chế nào trong Nhà nước đến nay đã có gần 2.000 cán bộ, giáo viên mầm non được tuyển vào biên chế được hưởng các chế độ phụ cấp lương theo quy định, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong năm 2012, đã có 1.106 giáo viên được tuyển vào biên chế. Theo Thông tư 48, đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 4 giờ/ngày. Việc thực hiện quy định này trên thực tế đang rất khó khăn. Công việc của giáo viên mầm non có nhiều đặc thù, vất vả. Các cô phải làm việc liên tục từ lúc tới trường đến khi ra về, tổ chức cho trẻ hoạt động vui chơi, học tập, cho trẻ ăn, ngủ, thay quần áo, vệ sinh cho trẻ, kể cả lau nhà, dọn phòng vệ sinh của lớp sau mỗi buổi học… Đó là chưa kể đến các hoạt động sư phạm khác như: kiểm tra, dự giờ, tham gia các hội thi cấp trường đến cấp tỉnh. Bình thường mỗi lớp có 2 cô giáo, nhưng vào các đợt cao điểm, nhiều lớp chỉ còn một cô nên áp lực giờ làm càng căng thẳng. Tuy nhiên nếu áp theo quy định chỉ dạy 6 giờ/ngày thì các cô chỉ dạy từ 7h sáng đến 13h chiều trong khi cha mẹ các cháu phải đi làm, tối thiểu là 8 giờ/ngày, rất khó khăn cho việc trông trẻ. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT đang thực hiện chủ trương dạy 2 buổi/ngày, học bán trú nên không thể thực hiện quy định về giờ làm hiện nay. Còn nếu tuyển thêm giáo viên hoặc nhân viên phục vụ để làm hai ca, các trường sẽ không đủ kinh phí trả lương. Nhiều hiệu trưởng trường mầm non chia sẻ, nếu áp dụng quy định này, xét về lý thuyết sẽ giảm áp lực cho giáo viên, nhưng thực tế, thông tư này khó khả thi.

Mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng trong những năm qua, ngành học mầm non tỉnh ta vẫn phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện toàn tỉnh có 32.581 trẻ ra nhà trẻ, đạt 45,1% trong độ tuổi; 80.507 trẻ mẫu giáo ra lớp, đạt 94% độ tuổi; 27.042 trẻ nhà trẻ được ăn bán trú, đạt 83%; 72.958 trẻ mẫu giáo được nuôi ăn bán trú, đạt 91%. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. 100% trẻ 5 tuổi ra lớp và được học 2 buổi/ngày. Sở GD và ĐT phối hợp với các ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh quan tâm đầu tư trang thiết bị phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi với tổng kinh phí đầu tư mua sắm khoảng 37 tỷ đồng. Đó là động lực để ngành tiếp tục vượt qua khó khăn để trở thành bậc học nền móng vững chắc cho các bậc học tiếp theo, góp phần vào thành tích chung “Dạy tốt - Học tốt” của ngành GD và ĐT./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com