Tôn vinh giá trị nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

08:05, 13/05/2015

Sáng 12-5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh”. Hội thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần để các học giả, nhà nghiên cứu tìm hiểu giá trị quý nhất trong tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là giá trị nhân văn. 

Ban tổ chức đã nhận được sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học của cả nước với 50 bài tham luận gửi tham gia. Nội dung các tham luận rất phong phú khi đề cập đến các khía cạnh khác nhau trong tư tưởng nhân văn, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Hội thảo khoa học chủ đề “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh”.
Hội thảo khoa học chủ đề “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh”.

Theo PGS,TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương), chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh khởi đầu từ quan niệm (tư duy, tư tưởng) của Người về “chữ người”, về con người với nhiều hàm nghĩa - nghĩa hẹp là những người trong gia đình, nghĩa rộng là những người trong dân tộc, trong một nước (quốc gia dân tộc) và nghĩa rộng nhất là mọi người trong thế giới nhân loại. Từ một Người có tinh thần dân tộc, nặng lòng yêu nước thương dân và thương nhân loại khổ đau, Người đã trở thành Người cộng sản và Nhà cách mạng, coi hoạt động chính trị là nghề nghiệp và lẽ sống của đời mình. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, từ đoàn kết dân tộc tới đoàn kết quốc tế.

Khẳng định về tính nhân văn trong tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Đỗ Hoàng Linh cho rằng: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm con người là giá trị nhất và được phục vụ cho nhân dân là vinh dự cao quý nhất. Vì vậy, nhân văn là nền tảng căn bản trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Xuất phát từ lòng bao dung bác ái, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã đề cao tính nhân văn cách mạng, vì lợi ích của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân hài hòa trong quan hệ đa chiều, tự chủ và tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Điểm rõ nét nhất của tính nhân văn cách mạng trong ngoại giao Hồ Chí Minh là sự chấp nhận mặt trái, bên phản diện, những cá nhân không cùng chung lý tưởng, biết cách kiềm chế cái ác, phát huy cái thiện, dung hòa cái tốt và cái xấu để cùng chung mục tiêu là sự công bằng, tiến bộ và đoàn kết quốc tế.

Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là biểu tượng kết hợp hài hoà tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, là hiện thân của đường lối ngoại giao hòa bình, đối thoại, hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau nên tư tưởng ngoại giao của Người cũng thấm đẫm tính nhân văn truyền thống dân tộc, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của Việt Nam.

Văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện qua sự tích hợp và vượt trội của những chuẩn mực ý thức, đạo đức, hành vi, nhân cách, phẩm chất. Nó tiêu biểu cho những giá trị văn hoá đạo đức nhân văn của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của mọi hoạt động của đời sống xã hội, là cơ sở hình thành nhân cách ở mỗi con người. Văn hoá đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh được biểu hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau trong di sản tư tưởng đạo đức của Người để lại.

Tham luận của Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) nhấn mạnh: Tình thương yêu con người trong văn hóa đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở sự hy sinh quyền lợi và hạnh phúc riêng. Người chọn cho mình một cuộc sống giản dị, thanh đạm và cùng chia sẻ những khó khăn với đất nước và nhân dân.

Hội thảo “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh” đã làm rõ những nội dung, các bình diện khác nhau trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, góp phần để thế hệ trẻ ngày nay hiểu hơn về một Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhân dân Việt Nam./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com