Nguyễn Văn Va
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
Với cách làm bài bản, chặt chẽ, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở Đảng bộ Nam Định bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Đồng chí Nguyễn Văn Va, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao Giấy chứng nhận cho cán bộ dự nguồn các chức danh thuộc diện Ban TVTU quản lý nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Việt Thắng |
Thu gọn nhiều đầu mối, tinh giản nhiều biên chế
Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp, tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, trên nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Nghị quyết; đồng thời phối hợp với các cấp ủy, tổ chức, cơ quan liên quan tham mưu xây dựng đề án thực hiện Nghị quyết theo chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.
Để hoàn thiện các văn bản về tổ chức bộ máy, biên chế một cách đồng bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, rà soát, ban hành một số văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh. Kết luận về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh (sau hợp nhất); rà soát, quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện…
Về sắp xếp, cơ cấu và thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng đề án và tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng Tỉnh ủy. Theo đó, đã thực hiện chuyển bộ phận lái xe, kế toán ở các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy về Văn phòng Tỉnh ủy để phục vụ chung, không bố trí Văn phòng ở các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy. Tham mưu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; theo đó, chuyển Phòng khám và quản lý sức khỏe cán bộ về trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cơ cấu lãnh đạo Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh gồm: Trưởng ban (đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm nhiệm); 3 Phó Trưởng ban (1 Phó Trưởng ban Thường trực (chuyên trách), 2 Phó Trưởng ban kiêm nhiệm (Đồng chí Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Các thành viên Ban gồm các đồng chí: Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh. Các đơn vị trực thuộc gồm: Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh (hoạt động kiêm nhiệm); Bộ phận thường trực giúp việc không quá 2 cán bộ chuyên trách.
Đối với việc thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu, hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở nơi có đủ điều kiện: Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 10/10 huyện, thành phố; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở 2 huyện (Vụ Bản, Mỹ Lộc); mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 200 xã, phường, thị trấn; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 4 xã, phường. Tham mưu chỉ đạo xây dựng đề án thực hiện thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện. Theo đó, hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện Vụ Bản; hợp nhất văn phòng huyện ủy và văn phòng HĐND, UBND ở 3 huyện: Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy.
Kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định và triển khai sáp nhập để tăng quy mô đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị: Đã phối hợp tham mưu chỉ đạo hoàn thành việc sáp nhập 3 đơn vị cấp xã (Sáp nhập xã Nghĩa Phúc và xã Nghĩa Thắng (huyện Nghĩa Hưng); xã Yên Xá và thị trấn Lâm (huyện Ý Yên); xã Hải Toàn và xã Hải An (huyện Hải Hậu) theo Nghị quyết số 58/NQ-UBTVQH ngày 10-1-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thành lập 02 phường thuộc thành phố Nam Định là phường Lộc Hòa, phường Mỹ Xá trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Lộc Hòa, xã Mỹ Xá. Phối hợp tham mưu báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29-12-2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Về hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp tham mưu xây dựng đề án thành lập trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao trên cơ sở tổ chức lại Đài Phát thanh vào Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện, thành phố; thành lập Ban Quản lý Chợ thành phố Nam Định trên cơ sở tổ chức lại Công ty Kinh doanh dịch vụ và quản lý Chợ chuyển thành đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chi thường xuyên. Chuyển Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải; chuyển Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu; Bệnh viện Nhi Nam Định; Viện quy hoạch xây dựng, Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng; Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp thành phố Nam Định; Ban quản lý Đền Trần Chùa Tháp thành đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chi thường xuyên. Giải thể Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên.
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, biên chế của cả hệ thống chính trị giảm mạnh, cơ bản bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế; việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đã đi vào thực chất gắn với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, phân loại, đánh giá, rà soát và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, toàn tỉnh đã tinh giảm 202 biên chế là công chức; 2.330 biên chế sự nghiệp.
Sau đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy bước đầu đã tinh gọn hơn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ. Công tác quản lý, điều hành dần đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn.
Những bài học kinh nghiệm
Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) đang mang lại ý nghĩa hết sức tích cực. Tuy nhiên, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trước hết, khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, có tổ chức phải đổi mới hoàn toàn phương thức hoạt động; có tổ chức phải chia tách, sáp nhập lại; bên cạnh đó là thực hiện thí điểm một số mô hình về tổ chức, bộ máy mới mà từ trước đến nay chưa có... Điều này dễ dẫn đến tâm lý e ngại, băn khoăn của đội ngũ cán bộ tham mưu. Do đó, việc triển khai cần cẩn trọng, vừa làm vừa nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng trong toàn tỉnh.
Thứ hai, quá trình đổi mới, sắp xếp phải đi đôi với tinh giảm đầu mối, biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Sắp xếp tổ chức, bộ máy thực chất là sắp xếp con người, do đó, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, đời sống của phần đông đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Sắp xếp, tinh gọn sao cho thấu tình, đạt lý, tạo được động lực, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là một khó khăn lớn, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tiễn cũng như vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và đề ra lộ trình thời gian phù hợp.
Thứ ba, cải cách, đột phá luôn là cái mới, chưa có tiền lệ, khuôn mẫu và gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành phải thống nhất, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, khắc phục tình trạng ỷ nại, chờ sự hướng dẫn, đôn đốc của cấp trên, với tinh thần “những việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay; việc nào chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tích cực nghiên cứu, mạnh dạn cho làm thí điểm”.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách song đây cũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là có tác động mạnh mẽ đến lợi ích, tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Nam Định nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung sẽ đạt được những thành tựu lớn, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới./.