Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân đã góp phần tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị. Một quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đã mang lại những kết quả khích lệ trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa và trật tự xã hội cho người dân nghèo nông thôn. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thực sự trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, để Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ là đại diện ủy thác giải ngân tín dụng của Chính phủ mà còn là cầu nối, đòn bẩy thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững.
Với 20 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ý Yên, bà Lê Thị Liên ở thôn Trung, xã Yên Khánh đã đầu tư xây dựng công trình vệ sinh nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. |
I- Đưa Chỉ thị 40 vào cuộc sống
Có mặt từ sớm tại xã Xuân Thượng (Xuân Trường) vào đúng phiên giao dịch định kỳ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tại trụ sở UBND xã, chúng tôi được chứng kiến không khí sôi nổi, phấn khởi. Người dân đến giao dịch ngày càng đông. Đồng chí Đặng Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: “Bây giờ, mỗi phiên giao dịch tại xã đều rất đông, bình quân chúng tôi đón tiếp từ 50-60 người, đều được được đáp ứng thoả đáng các nguyện vọng”. Chia sẻ về hiệu quả vốn tín dụng chính sách, đồng chí Đinh Thị Thanh, Chủ tịch Hội nông dân xã khẳng định: những năm qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là một trong những kênh tín dụng quan trọng trong việc hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Hiện tại, Hội Nông dân xã đang nhận uỷ thác cho vay 86 thành viên với tổng dư nợ 1 tỷ 554 triệu đồng. Nguồn vốn đến đúng đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho các hộ mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả nguồn vốn tín dụng tại xã phải kể đến hộ anh Đỗ Văn Thiềm ở xóm 2. Từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đầu tư mua máy gặt đập liên hợp Kubota và các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện dây chuyền xay xát gạo. Từ hộ gia đình thuộc diện khó khăn, đến nay, nhờ kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tại xã đã giúp gia đình anh Thiềm thu về hơn 300 triệu đồng mỗi năm, vươn lên trở thành hộ khá, có thu nhập ổn định. Với những hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo, đối tượng chính sách, hàng tháng, hàng quý, Đảng ủy, UBND xã cử cán bộ trực tiếp nắm bắt tình hình sản xuất, nhu cầu vay vốn để kịp thời hỗ trợ, giao cho các hội, đoàn thể hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND xã thường xuyên tham gia các phiên giao dịch định kỳ hàng tuần và hàng tháng họp giao ban với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nên mọi kiến nghị, đề xuất từ xã đều được lãnh đạo, cán bộ tín dụng tiếp nhận, chia sẻ và đồng hành tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn vốn tín dụng luôn chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, hiệu quả, an toàn. Có được sự gắn kết mật thiết giữa chính quyền địa phương và các hộ vay vốn đó là kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Thực tế ở Xuân Thượng cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự được người dân tin tưởng, gửi gắm hi vọng vươn lên thoát nghèo bền vững, là một trong những “điểm tựa” để xã đạt mục tiêu cán đích nông thôn mới từ cuối năm 2014 và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ngay sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 4-2-2015 và các văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chỉ thị, chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn. Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có Văn bản số 24/BĐDHĐQT ngày 29-5-2018 về việc dành nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn của Trung ương một cách linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa phương đã tạo thuận lợi cho các huyện, thành phố trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng chí Mai Văn Quyết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hải Hậu cho biết: “Trong suốt tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện, chúng tôi luôn xác định nguồn vốn tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu của chính quyền các cấp để thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm. Không những thế, tín dụng chính sách còn góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng - Nhà nước”. Vì thế, trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi nhanh chóng, kịp thời. Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ví như mang đến “luồng sinh khí mới” cho hoạt động tín dụng chính sách, góp phần đổi mới về tư duy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện, thúc đẩy sự quan tâm và triển khai có hiệu quả giúp hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kịp thời tiếp thu và đưa những nội dung của Chỉ thị 40, Kế hoạch số 14 của UBND huyện vào chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên để triển khai với tinh thần quyết liệt, bài bản, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chung tay góp sức đưa nguồn vốn tín dụng đến 100% đối tượng thụ hưởng. Trong đó, các thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND cấp xã đã xác định được nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hành động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương mình. Từ đó, Chủ tịch UBND cấp xã đã chủ động tham gia giám sát, chỉ đạo tại buổi giao dịch định kỳ tại trụ sở xã, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác tham gia đầy đủ các buổi giao dịch, nắm bắt tình hình hoạt động của từng tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ vay nợ quá hạn, chây ỳ, báo cáo, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động các điểm giao dịch ngày càng được nâng cao, tỷ lệ giao dịch tại xã đạt trên 90% tổng giá trị giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng. Các tổ chức chính trị xã hội ngày càng nhận thức đầy đủ về vai trò và nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình để triển khai các nội dung được ủy thác đến các đối tượng vay vốn; thực hiện bình xét công khai, dân chủ; tham gia giám sát chặt chẽ và đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng quy định; làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương tín dụng ưu đãi đến các tầng lớp nhân dân; tham gia tích cực, có hiệu quả với cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội trong các buổi giao dịch tại xã và giao ban với UBND xã. Bí thư chi bộ, trưởng các thôn, xóm và các tầng lớp nhân dân ngày càng hiểu rõ và tích cực tham gia vào việc giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội; các tầng lớp nhân dân, các đối tượng thụ hưởng đã hiểu rõ hơn về quan hệ tín dụng ưu đãi dựa trên nguyên tắc “có vay, có trả”. Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, coi hoạt động tín dụng chính sách là nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang với tinh thần “phục vụ vô điều kiện”. Nguồn vốn tín dụng được giám sát, quản lý chặt chẽ và không ngừng phát triển, đảm bảo đúng đối tượng, chất lượng tín dụng luôn ở mức an toàn. Đến nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các huyện, thành phố có 339 thành viên tham gia, trong đó: cấp tỉnh có 12 thành viên; cấp huyện, thành phố có 327 thành viên với 100% Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tham gia Ban đại diện. Toàn tỉnh có 218 điểm giao dịch trải đều trên địa bàn 10 huyện, thành phố.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Qua những đợt họp giao ban, kiểm chứng, lắng nghe phản hồi từ người dân, chính quyền về các chính sách tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã điều chỉnh nguồn vốn và phương thức phân bổ, chuyển tải vốn hợp lý hiệu quả hơn, đồng thời đề xuất kiến nghị đến các cơ quan chức năng, UBND tỉnh, Chính phủ để điều chỉnh chính sách hợp lòng dân, gia tăng động lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Đức Toàn