Những giải pháp cụ thể ổn định trật tự an toàn giao thông

07:02, 13/02/2012

Năm 2012 được xác định là Năm an toàn giao thông (ATGT) với nhiều giải pháp được thực hiện để kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), giảm ùn tắc giao thông. Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, tăng nặng mức xử phạt, còn đề xuất kỷ luật Chủ tịch UBND cấp tỉnh nếu để xảy ra tình trạng TNGT tăng cao, liên tục.

Thành phố Nam Định ra quân hưởng ứng Tháng ATGT năm 2011. Ảnh: HữU QUYếT
Thành phố Nam Định ra quân hưởng ứng Tháng ATGT năm 2011. Ảnh: Hữu Quyết

Nâng cao ý thức người dân

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tuy số vụ TNGT, số người chết, bị thương có giảm hơn 10%, số vụ ùn tắc cơ bản không xảy ra, tình trạng nhồi nhét khách có giảm hơn so dịp Tết năm trước. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, số vụ và số người chết vì TNGT vẫn còn cao, đặc biệt cao hơn nhiều so mức bình quân trong năm. Bên cạnh đó, tình trạng không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia, lạng lách, đánh võng vẫn còn diễn ra phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn. Mặc dù Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Công an và Bộ GTVT đã có những chỉ đạo quyết liệt, song cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở một số địa phương vào cuộc chưa tốt, chưa khắc phục được một số vi phạm mang tính phổ biến trong dịp Tết.

Hiện tại, hành lang ATGT đường bộ về cơ bản vẫn chưa bảo đảm được, nhiều tuyến quốc lộ khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa không có hành lang ATGT. Sau vài năm, "phong trào" đô thị hóa dọc các tuyến đường giao thông đã "nuốt mất" hành lang ATGT, là một trong những nguyên nhân gây ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đối với đường sắt, TNGT năm qua tăng bất thường (khoảng 35% so năm 2010), hầu hết là tai nạn nghiêm trọng. Phân tích của các chuyên gia, có hai nguyên nhân chính khiến tai nạn đường sắt tăng cao: một là mở đường ngang trái phép diễn ra phổ biến và ý thức người tham gia giao thông kém, cố tình vượt trái phép đường sắt. Trên dọc tuyến đường sắt nước ta có khoảng 6.000 đường ngang, trong đó chỉ có khoảng một phần ba số đường ngang có phép, còn lại do người dân tự ý mở trái phép, không có rào chắn, không có người gác. Trên thực tế, ngay cả đường ngang có rào chắn, khi tàu đến gần, nhiều người vẫn thản nhiên vượt qua. Điều này đặt ra cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các hình thức cảnh báo của ngành đường sắt cần có nghiên cứu tổng thể để đầu tư nhiều hơn, nhất là thời gian tới, một số dự án nâng tốc độ chạy tàu, mở rộng đường ray đi vào khai thác, nếu không, TNGT đường sắt được cảnh báo sẽ còn xảy ra nhiều hơn, với mức độ ngày càng thảm khốc.

Ý thức người dân có vai trò quyết định trong việc bảo đảm ATGT, đây là khẳng định của nhiều chuyên gia ngành GTVT. Hạ tầng tốt chưa hẳn đã góp phần đẩy lùi tai nạn. Mặc dù về cơ bản, hạ tầng giao thông nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đây là một trong những nguyên nhân khiến TNGT tăng. Tuy nhiên, có những nơi hạ tầng giao thông càng tốt, tai nạn càng gia tăng. Thí dụ điển hình tại Sơn La, Điện Biên, khi quốc lộ 6 (mới) được nâng cấp, mở rộng cuối năm 2010, thì năm 2011 TNGT ở đây lại tăng khoảng 30%. Xây dựng ý thức người tham gia giao thông cần phải có một quá trình, nhưng dài hay ngắn là do quyết định từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Muốn thay đổi hành vi, trước hết phải tăng cường quản lý nhà nước trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm bằng cách tăng nặng mức xử phạt hoặc bổ sung hình phạt, giảm thiểu tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ. Thứ hai, phải thay đổi cách thức tuyên truyền, để người dân tiếp cận thông tin, luật pháp theo hướng đơn giản, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ. Năm 2012, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ xây dựng giải thưởng ATGT và cuộc vận động doanh nghiệp an toàn, lái xe an toàn.

Tăng nặng, bổ sung mức xử phạt đủ tính răn đe

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/CP, trình Chính phủ trong tháng 3 tới theo nguyên tắc tăng mức phạt và bổ sung hình thức xử phạt. Những hành vi cố tình gây nguy hiểm khi tham gia giao thông như lạng lách, đánh võng, lấn làn đường,... sẽ tăng nặng mức phạt; đồng thời bổ sung một số hình thức xử phạt như tạm giữ và tịch thu phương tiện, tăng số ngày tạm giữ phương tiện, có thể lên ba đến sáu tháng tùy mức độ vi phạm. Hành vi đua xe trái phép, theo ý kiến đa số người dân, ai cũng đồng tình phải tịch thu phương tiện, tuy nhiên việc này chưa làm được do hầu hết các phương tiện này không chính chủ. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu, bổ sung quy định để tịch thu phương tiện tham gia đua xe. Hiện nay, vấn đề khó nảy sinh là tăng tạm giữ phương tiện nhưng không có kho bãi, vì vậy sẽ xã hội hóa tạm giữ phương tiện. Chi phí coi giữ phương tiện, người vi phạm phải trả và phải tăng chi phí này lên, bảo đảm việc xã hội hóa trở thành hiện thực. Ngoài ra, có thể sẽ nghiên cứu, bổ sung hình thức bắt buộc lao động công ích như một số nước đã áp dụng.

Trong thời gian qua, đã có quy định gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể cho người đứng đầu chính quyền địa phương đối với việc bảo đảm trật tự ATGT, thông qua tiêu chí đánh giá cán bộ hằng năm. Thậm chí có địa phương "mạnh tay" không xét thi đua đối với lãnh đạo cấp huyện và Giám đốc Sở GTVT nếu để TNGT tăng cao. Tuy nhiên, không xét thi đua lại không phải là hình thức kỷ luật. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị nghiên cứu, có hình thức kỷ luật người đứng đầu Ban ATGT ở địa phương các cấp. Phải có hình thức kỷ luật Trưởng ban ATGT của tỉnh (theo quy định, Trưởng ban ATGT cấp tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh) nếu để TNGT tăng cao và liên tục trong một số năm. Hiện nay, Ủy ban ATGT quốc gia đang xây dựng tiêu chí để đánh giá công bằng; trong đó, tiêu chí số vụ TNGT, số người chết, bị thương tuy quan trọng nhưng chưa phải tất cả. Trong thời gian tới, còn xét một số tiêu chí bổ sung như thái độ, trách nhiệm của Ban ATGT tỉnh đối với vấn đề ATGT của địa phương mình. Thái độ thể hiện qua hoạt động của ban, chỉ đạo có quyết liệt không, thật sự không, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trước khi ra bộ tiêu chí, sẽ lấy ý kiến các tỉnh, sau đó áp dụng thực hiện./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com