Ngày 3-8, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), một nhóm bạn trẻ có tên “Nhóm từ thiện Nany” đã phát miễn phí 2.000 khẩu trang y tế cho người dân, nhằm chung tay với cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Tại ngã tư giao nhau giữa trục đường 16 Tháng 4 và Ngô Gia Tự, Nhóm từ thiện Nany cử nhiều thành viên cầm hàng chục chiếc khẩu trang y tế trực ngay chốt đèn tín hiệu giao thông, mỗi khi chốt tín hiệu bật sang đèn đỏ, người tham gia giao thông dừng phương tiện tại vạch dừng đỗ theo quy định, các bạn trẻ nhanh chóng tiếp cận và mời mọi người lấy cho mình một chiếc khẩu trang y tế hoặc có thể vài ba cái mang về cho người thân. Hình ảnh thân thiện này để lại ấn tượng đẹp đối với mọi người. Ðến nay, các thành viên trong nhóm và mạnh thường quân đã quyên góp, mua được năm tấn gạo, mắm, đường, dầu ăn… dự kiến trong hai ngày 19 và 20-8 sẽ trao tặng cho 50 hộ nghèo tại địa phương, góp phần giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19.
Hải Dương: Coi trọng đầu tư phát triển văn hóa từ cơ sở
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hải Dương tập trung triển khai, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Theo đó, cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở đã vào cuộc, quan tâm chỉ đạo, xây dựng nét văn hóa và phong cách con người xứ Ðông theo hướng phát triển toàn diện. Ðến nay, 100% tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh đã thực hiện xong việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký làm theo sát với chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền, văn nghệ quần chúng được tỉnh quan tâm đầu tư. Mỗi năm có từ 2.200-2.500 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng được thực hiện ở cơ sở.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được tỉnh chú trọng. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 di tích được đưa vào danh mục cần bảo vệ, trong đó có bốn di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; 141 di tích quốc gia, 229 di tích cấp tỉnh được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo. Hiện nay, tỉnh có hơn 10 nghìn hiện vật được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và các nhà truyền thống.
Long An: Tập trung xây dựng chính quyền điện tử
Thời gian qua, công tác triển khai xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh Long An triển khai thực hiện đồng bộ. Nổi bật là bảo đảm tiến độ triển khai các chương trình, dự án; công tác ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục phát huy hiệu quả, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch năm. Cụ thể, tỉnh hoàn thành triển khai nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho 100% cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã (với hơn 8.900 tài khoản đã được cấp), bảo đảm gửi nhận liên thông bốn cấp từ Trung ương đến địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ; phần mềm Một cửa điện tử được triển khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 18 sở, ngành và 100% UBND huyện, xã phục vụ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng... Bên cạnh đó, Long An đã xây dựng, hoàn thành Bộ phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, bảo đảm kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia. Ðồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhận thức về an toàn thông tin cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ phụ trách công nghệ thông tin./.
Theo nhandan.com.vn