Năm 2016, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành và triển khai Đề án số 06-ĐA/TU về "Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận cơ sở giai đoạn 2016-2020". Đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện ủy, thành ủy đã đạt nhiều kết quả trong đổi mới phương thức hoạt động. Hệ thống Dân vận từ tỉnh đến cơ sở chủ động tham mưu cho cấp ủy thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận, "Năm dân vận chính quyền", "Tháng dân vận" và thực hiện phong trào "Dân vận khéo"... Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được tiến hành sâu rộng, tính công khai, dân chủ tiếp tục được thực hiện rõ, theo hướng gần dân, trọng dân, tiếp thu ý kiến của dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc việc đối thoại trực tiếp với nhân dân, từ đó, huy động sự đóng góp tích cực cùng sự đồng thuận của nhân dân đối với việc thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...
Tỉnh ủy Hà Giang xác định tiếp tục triển khai các giải pháp để làm tốt công tác dân vận ở cơ sở trong thời gian tới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dân, gần dân, chăm lo đời sống nhân dân. Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm hiểu rõ công tác vận động nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để giải quyết kịp thời những vướng mắc ngay từ cơ sở. Công tác Dân vận ở cơ sở phải hướng đến tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Đồng Tháp: Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", tỉnh Đồng Tháp quyết tâm xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị và các hoạt động kinh tế để nâng cao chất lượng các mặt công tác.
Quan tâm yếu tố văn hóa trong các hoạt động kinh tế được tỉnh Đồng Tháp triển khai mạnh mẽ, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển. Trong hệ thống chính trị, Tỉnh ủy xác định, xây dựng các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng hàng năm. Các cấp ủy, cơ quan, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa việc xây dựng nếp sống văn hóa thông qua nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhằm mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân. Tỉnh tăng cường xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhất là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Đến nay, toàn tỉnh có hơn 387 nghìn hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa".
Thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc xây dựng văn hóa công sở. Trọng tâm là xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo và cán bộ, nhân viên. Người đứng đầu có trách nhiệm truyền cảm hứng công tác, tạo sự đồng thuận trong tập thể, hạn chế áp đặt mệnh lệnh hành chính./.
PV