Công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV trước ngày 11-6

08:06, 03/06/2016

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia trao đổi với phóng viên về quy trình, thủ tục công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV.

PV: Hiện nay, Ủy ban Bầu cử một số địa phương đã công bố kết quả bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó, có nơi công bố cả tên, tỷ lệ phiếu của ứng cử viên ĐBQH. Điều này có đúng luật không, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Ủy ban Bầu cử một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã công bố kết quả bầu cử ĐBQH khóa XIV với nội dung khá chi tiết, có bầu đủ số lượng ĐBQH được phân bổ hay không, các ứng cử viên đạt bao nhiêu phần trăm tổng số phiếu, ứng cử viên nào có số phiếu cao nhất. Tuy nhiên, việc công bố như vậy là chưa đúng thẩm quyền.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia trao đổi với phóng viên
Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia trao đổi với phóng viên.

Điều 86, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã nêu rõ: Một là, Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử. Hai là, Ủy ban Bầu cử các địa phương căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử, công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND ở cấp mình, chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.

Như vậy, theo đúng quy định của luật thì, Ủy ban Bầu cử các cấp chỉ được công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND ở cấp mình. Hội đồng Bầu cử quốc gia theo thẩm quyền sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH trong cả nước.

PV: Sau khi đi bỏ phiếu, điều mà cử tri quan tâm nhất hiện nay là, kết quả bầu cử như thế nào, những người mà mình lựa chọn có trúng cử hay không. Việc các địa phương tự công bố kết quả vừa qua dường như càng khiến dư luận “sốt ruột” hơn. Vậy, khi nào, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ công bố chính thức kết quả, danh sách người trúng cử ĐBQH khóa XIV, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc: Kết quả bầu cử ĐBQH trong cả nước hiện đang được Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia tổng hợp trên cơ sở báo cáo kết quả bầu cử do các địa phương gửi về. Chúng tôi sẽ sớm có báo cáo trình Hội đồng Bầu cử quốc gia thông qua biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước, sau đó mới thực hiện thủ tục công bố. Chậm nhất, trước ngày 11-6, kết quả, danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV trong cả nước sẽ được công bố chính thức.

PV: Kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp cho thấy, HĐND cấp huyện, xã phải bầu cử thêm. Đồng chí có bình luận gì về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi nghĩ, việc một số đơn vị bầu cử nào đó không bầu đủ số lượng đại biểu dẫn đến việc bầu cử lại, bầu cử thêm là bình thường. Tuy nhiên, bầu cử lại và bầu cử thêm là hai việc khác nhau. Bầu cử thêm là trong trường hợp bầu thiếu, không đủ 2/3 số lượng đại biểu được ấn định. Còn bầu cử lại là có xảy ra sai sót nghiêm trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Thực tế hiện nay, cả nước chỉ có 2 xã phải tiến hành bầu cử lại và Hội đồng Bầu cử quốc gia đã đồng ý cho bầu cử lại. Quy trình, thủ tục bầu cử thêm, bầu cử lại đã được quy định rõ trong luật nên cũng không có gì khó khăn.

PV: Có ý kiến băn khoăn về việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, hơn 99% nhưng lại không bầu đủ ở cả 4 cấp, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc: Có người còn nói với tôi, như thế có phải là cuộc bầu cử chưa thành công hay thắng lợi chưa trọn vẹn hay không? Tôi không nghĩ như vậy. Đó là kết quả bình thường đối với một cuộc bầu cử, thậm chí, đó còn là minh chứng cho thấy, chúng ta đã tổ chức được một cuộc bầu cử thật sự dân chủ và công bằng. Tổng hợp số liệu cử tri tham gia bầu cử ở các địa phương là rất cao, lên tới 99,45%. Trong khi đó, trước ngày bầu cử, các thế lực chống phá hoạt động rất mạnh, có nơi còn gây áp lực để cử tri không đi bỏ phiếu. Nhưng thực tế, cử tri đã rất nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Đó là thành công rất lớn của cuộc bầu cử.

Còn việc cử tri có chọn đủ số đại biểu hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào cách đánh giá và lựa chọn của cử tri. Khi hiệp thương, giới thiệu người ứng cử và lập danh sách chính thức người ứng cử đã bảo đảm quy trình chặt chẽ. Ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã khác với ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh ở chỗ, họ là những người rất gần gũi với người dân địa phương. Người dân không chỉ xem xét, nghiên cứu tiểu sử, chương trình hành động của họ mà còn quan sát, đánh giá qua thực tiễn cuộc sống hằng ngày nên tôi nghĩ, sự đánh giá của người dân là chính xác.

Ở bình diện chung, tôi cho rằng, kết quả bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp lần này đã cho thấy trình độ dân trí, ý thức làm chủ và tinh thần tích cực, chủ động tham gia xây dựng Nhà nước của người dân ngày càng cao. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội, HĐND và toàn bộ bộ máy Nhà nước trong thời gian tới. Tôi nghĩ, đó là điều đáng mừng chứ không có gì phải băn khoăn.

PV: Xin cảm ơn đồng chí./.

Theo vov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com