Từ năm 2013-2016, Quảng Bình có 3 bệnh viện huyện, 4 trung tâm y tế huyện, 1 trường trung cấp y tế được đầu tư khoảng 90 tỷ đồng từ Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ do Ngân hàng thế giới tài trợ và ngân sách địa phương để tăng cường khả năng tiếp cận BHYT của người cận nghèo.
Theo Ban Quản lý dự án, hầu hết các hoạt động của dự án đều được tỉnh bám sát kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính, đảm bảo tiến độ và mục tiêu, một số hoạt động vượt kế hoạch, góp phần tăng độ bao phủ BHYT cho người cận nghèo trên địa bàn, hiện nay đạt 83,39%.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, người cận nghèo đã được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ BHYT. Dự án đã hỗ trợ để phát triển và triển khai tốt các chính sách BHYT cho người cận nghèo, giúp đối tượng này tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ y tế có chất lượng, góp phần đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Long An: Xây dựng 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Sở NN và PTNT tỉnh Long An cho biết, địa phương đã chọn lựa được những cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Các sản phẩm chủ lực gồm: 20 nghìn ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu 40 nghìn ha ở huyện Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và Thành phố Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ.
Để đạt chỉ tiêu đề ra, Long An đang chú trọng quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Đồng thời ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, hạ giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Quảng Nam : Khánh thành nhà máy đóng tàu vỏ thép đầu tiên
Cty CP Thiên Hậu Phước vừa chính thức đưa vào hoạt động nhà máy đóng tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
Nhà máy đóng tàu vỏ thép Thiên Hậu Phước được xây dựng trong khuôn viên rộng 2,5ha tại cảng cá An Hòa, gần khu vực nước sâu của sông Trường Giang, thuận lợi cho tàu thuyền có công suất trên 3.000CV ra vào. Đây cũng là trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung.
Nhà máy đóng tàu Thiên Hậu Phước có công suất đóng mới và sửa chữa trên 200 tàu thuyền mỗi năm.
Trong giai đoạn một, với nguồn vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, nhà máy đóng mới và hạ thủy 4 tàu cá vỏ thép có công suất từ 830CV trở lên.
Năm 2017, khi hoàn thành giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 35 tỷ đồng, nhà máy có khả năng đóng mới từ 8-10 tàu có công suất từ 830CV trở lên; trong đó, có khả năng đóng mới tàu cá có công suất trên 3.000CV và sửa chữa trên 200 tàu thuyền các loại./.
Theo chinhphu.vn