Sau 5 ngày làm việc tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, lễ bế mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã diễn ra chiều tối 1-4 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Xa-bơ Chao-đu-ri; Chủ tịch QH Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng.
Trước đó, phiên bế mạc của Đại hội đồng IPU-132 lần lượt thông qua các nghị quyết quan trọng của các Ủy ban thường trực về: Chiến tranh mạng, quản trị nguồn nước, chủ quyền quốc gia và quyền con người... Tiếp theo đó Đại hội đồng thông qua các báo cáo của các Ủy ban thường trực của LHQ, vì sức khỏe, quyền của phụ nữ, hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện bảo vệ quyền của nghị sĩ, HIV/AIDS, quyền trẻ em, dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, Báo cáo Nghị viện toàn cầu loại bỏ chiến tranh hạt nhân...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU-132 tuyên bố bế mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-132. |
Tại lễ bế mạc, Đại hội đồng IPU-132 đã thông qua Tuyên bố của Đại hội đồng IPU: Tuyên bố Hà Nội. Tuyên bố Hà Nội nêu rõ: "Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ, y tế, tri thức và của cải vật chất, nhưng sự chênh lệch đã tồn tại từ rất lâu về kinh tế và xã hội vẫn đang ngày càng tăng, gây tổn hại cho toàn bộ hành tinh, nhiều nước trên thế giới chưa được hưởng thành quả của sự phát triển. Tình hình này trở nên trầm trọng do mối đe dọa cấp bách đến từ biến đổi khí hậu và làn sóng bất ổn xã hội, chính trị ngày càng tăng, xung đột trong và giữa các quốc gia - đang nổi lên hàng đầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng ta trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cho thấy, chỉ với ý chí chính trị, sự lãnh đạo mạnh mẽ và vai trò làm chủ của quốc gia, chúng ta mới có thể đạt được những cam kết quốc tế.
Là nghị sĩ, chúng ta có nghĩa vụ phải hành động. Việc thông qua chương trình phát triển mới giai đoạn sau năm 2015 và những mục tiêu phát triển bền vững vào tháng 9-2015 này sẽ đem lại cơ hội có một không hai để ứng phó với các thách thức toàn cầu, sử dụng cách tiếp cận phổ cập và toàn diện áp dụng cho tất cả các quốc gia và gắn vấn đề xóa đói nghèo với phát triển bền vững".
Tuyên bố Hà Nội cam kết: "Nỗ lực hết mình tăng cường vai trò quốc gia làm chủ các mục tiêu này, cụ thể là phổ biến các mục tiêu trên cho cử tri của mình. Người dân phải hiểu những mục tiêu trên có liên quan đến đời sống của họ như thế nào. Là đại diện cho nhân dân, chúng ta có trách nhiệm bảo đảm tiếng nói của mỗi người dân đều được phản ánh trong tiến trình chính trị đó, không phân biệt địa vị xã hội của họ. Chúng ta cam kết nội luật hóa những mục tiêu đó, trong đó có vấn đề phân bổ ngân sách. Mỗi nước phải nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình để bảo đảm hoàn tất được các mục tiêu trên".
Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Xa-bơ Chao-đu-ri bày tỏ vui mừng bởi Tuyên bố đã lấy con người là trung tâm, các Nghị viện thành viên cùng cam kết thực hiện. Chủ tịch IPU một lần nữa công nhận và đánh giá cao những đóng góp của QH Việt Nam cho thành công của Đại hội đồng lần này cũng như Tuyên bố Hà Nội. Chủ tịch Xa-bơ Chao-đu-ri nêu rõ, Tuyên bố Hà Nội không phải là giải pháp cho các quốc gia mà các nước cần phải đoàn kết, hợp tác và có giải pháp riêng cho quốc gia mình. Điều quan trọng là cần giám sát việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội, cũng như chủ động thực hiện để Tuyên bố này thành công. Chủ tịch IPU tin tưởng vào Tuyên bố Hà Nội - tuyên bố thể hiện được ý chí của 6,5 tỷ người dân của các quốc gia thành viên IPU.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Những kết quả quan trọng nhất của Đại hội đồng đã được thể hiện qua Tuyên bố Hà Nội. Đây là văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các Nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đang xây dựng đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị thượng đỉnh của Đại hội LHQ vào tháng 9 tới. Đồng thời khẳng định kết quả của Đại hội đồng IPU-132 đã nói lên tiếng nói chung của Nghị viện các nước, góp phần bảo vệ hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, giữa các Nghị viện, thúc đẩy bước phát triển mới của cộng đồng quốc tế giai đoạn sau năm 2015.
Thay mặt nhân dân nước chủ nhà, với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng gửi lời chào đoàn kết, hợp tác, hữu nghị của Việt Nam, IPU-132 tới tất cả các nghị sĩ thuộc các quốc gia của Liên minh Nghị viện thành viên, tới nhân dân các nước./.
Theo TTXVN