Ngày 1-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Cùng dự, có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 3/2015. |
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém; chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, tăng cường phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Nhất quán và quyết tâm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, nhất là đầu ra và giá cả hàng nông sản. Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì tháo gỡ và có giải pháp ngay; đồng thời cũng yêu cầu Bộ NN và PTNT, các bộ và địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai công tác phòng, chống hạn, hỗ trợ địa phương vượt qua khó khăn do hạn hán trong thời gian tới, không để người dân bị thiếu đói do hạn hán.
Thủ tướng chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA...; mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế và lợi thế cũng như thách thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chủ động tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định TPP và các Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác. Các bộ cần nghiên cứu đưa ra các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo kế hoạch; có giải pháp phù hợp để sử dụng hiệu quả số tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành của DNNN.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chuẩn bị tốt công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp chung: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015; bảo đảm ATGT, tăng cường phòng, chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận báo cáo của các bộ, cơ quan chức năng đối với kiến nghị của công nhân về Điều 60 Luật BHXH 2014 (có hiệu lực vào 1-1-2016), trong đó có quy định việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như Luật hiện hành. Bộ LĐ-TB và XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị việc sửa đổi Luật cho phù hợp tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân. Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật BHXH 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.
Về đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển sử dụng rượu bia của Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GTVT sau thời gian nghiên cứu đề xuất này đã báo cáo Chính phủ, theo đó cho rằng, đề xuất nêu trên là có căn cứ pháp lý và việc có chế tài mạnh với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia là cần thiết. Tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, tạo sự đồng thuận xã hội, nên tại thời điểm hiện nay, đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các kiến nghị của Bộ GTVT.
Chiều 1-4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Về đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, quan điểm xuyên suốt của NHNN trong tái cơ cấu thường xuyên, liên tục, không chỉ các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém mà cả các TCTD tốt. Từ năm 2011 đến nay, NHNN đã xử lý căn bản các ngân hàng yếu kém, vốn là nguyên nhân gây ra những biến động trên thị trường tiền tệ. Quan điểm bảo đảm tái cơ cấu nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước, tránh đổ vỡ hệ thống. NHNN theo dõi sát, có giải pháp phù hợp, kịp thời, bảo đảm an toàn. Quá trình này, NHNN luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.
Về chỉ số tăng trưởng GDP quý I cao hơn cùng kỳ mọi năm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, điều này thể hiện nền kinh tế phục hồi. GDP tăng do lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh. Phương pháp tính chỉ số GDP hoàn toàn chính xác. Việc công bố sớm chỉ số GDP và các chỉ số khác vào ngày 26 hằng tháng là để phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, điều hành các bộ và đó là số ước tính. Số GDP quý I công bố vào tháng 6 mới là con số sơ bộ. Việc tính toán sớm nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy và trung thực.
Trước phản ánh của người dân về việc Cty Vàng bạc SJC mua vàng miếng SJC 1 và 2 ký tự với giá khác nhau, Cty SJC điều chỉnh giảm giá mua vàng SJC khi mua vàng miếng có 1 ký tự chữ, NHNN đã yêu cầu lãnh đạo chi nhánh NHNN Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Cty Vàng bạc SJC. Theo chi nhánh NHNN Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 1-4, Cty chủ động thu hồi thông báo mua vàng trước đây; đồng thời bảo đảm giá mua vàng SJC với 1 hay 2 ký tự chữ bằng nhau.
Về vụ việc lấp sông Đồng Nai và thay thế cây xanh ở Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng chỉ đạo lập Đoàn thanh tra Hà Nội, Đồng Nai để xem xét, sau đó kết luận mới có hướng xử lý tiếp theo. Qua các vụ việc này, cần rút nhiều bài học kinh nghiệm, đó là, quá trình tổ chức thực hiện, phải bám sát quan điểm tôn trọng ý kiến người dân theo quy chế dân chủ theo đúng quy định. Thủ tướng từng nói, việc triển khai bất cứ chính sách gì, dù ý nghĩa, chủ trương là đúng nhưng thực tế, số đông người dân phản ứng thì phải dừng lại, nếu sai phải cầu thị sửa ngay.
Về Điều 60 Luật BHXH 2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết, sau khi bàn bạc, Chính phủ thấy ý kiến của người lao động là chính đáng. Thực tế có bộ phận lớn người lao động, điều kiện thực hiện theo Điều 60 không phù hợp cuộc sống của họ. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, khoảng ngày 20-5 tới, Chính phủ sẽ họp giữa năm và kiến nghị Quốc hội xem xét lại; đồng thời kêu gọi tất cả người lao động yên tâm làm việc, bình tĩnh, không nghe lời kẻ xấu kích động, làm ảnh hưởng an ninh, trật tự./.
Theo Nhân dân