Ngày 19-3-2013 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT và TT, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc đánh giá kết quả hoạt động năm 2012, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013. Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT và TT; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí cả nước.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Đánh giá về kết quả hoạt động báo chí năm 2012, các cơ quan chức năng khẳng định: năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế tiếp tục suy giảm, khủng hoảng tài chính, biến động chính trị, xã hội diễn ra ở một số nước; xu hướng chạy đua vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, nguy cơ xung đột có chiều hướng gia tăng ở Trung Đông, Đông Bắc Á, Nam Á, nhất là khu vực Biển Đông. Trong nước, tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được củng cố, hệ thống chính trị được tăng cường, hoạt động đối ngoại được mở rộng; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta được giữ vững. Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện Nghị quyết XI của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những thuận lợi và khó khăn có tác động nhiều chiều đến hoạt động báo chí nói chung, trong đó có công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy và cơ quan chủ quản, hoạt động báo chí của nước ta tiếp tục có những nỗ lực và thành tựu quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Về hoạt động báo chí, tính đến tháng 2-2013, số lượng cơ quan báo chí in trên cả nước là 812 với 1.084 ấn phẩm; trong đó có 197 cơ quan báo in; 615 tạp chí. Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước hiện có 67 đài PT-TH Trung ương và địa phương; trong đó có hai đài quốc gia là Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam, một đài của ngành (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC); 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá. Nhiều chương trình phát thanh và truyền hình được truyền tải trên mạng internet đã phục vụ tốt công tác thông tin đối ngoại, đối nội. Bên cạnh hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta tiếp tục phát triển mạnh bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất và đang bước đầu áp dụng công nghệ IPTV. Cả nước có 47 đơn vị được cấp phép truyền hình cáp, 9 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Riêng 5 đài truyền hình gồm: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài PT-TH Hà Nội, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài PT-TH Bình Dương có 62 kênh truyền hình trả tiền. Cả nước còn có 75 kênh truyền hình nước ngoài phục vụ 4,4 triệu thuê bao. Đội ngũ cán bộ báo chí trên toàn quốc hiện có gần 17.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo; có hơn 19.000 hội viên Hội Nhà báo sinh hoạt trong các hội, liên chi hội và chi hội nhà báo. Năm 2012 và quý I năm nay, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện các định hướng và nhiệm vụ trọng tâm mà hội nghị báo chí toàn quốc tổ chức cuối tháng 3-2012 nêu ra, các cơ quan làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí đã thực hiện khá tốt các yêu cầu mục tiêu đề ra. Các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền sâu rộng, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề, sự kiện nổi bật, những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước như các Hội nghị 4, 5, 6 của BCH Trung ương Đảng khóa XI; các kỳ họp của Quốc hội; công tác xây dựng Hiến pháp, pháp luật, nhất là việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tuyên truyền học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước trong nhiệm kỳ XI. Báo chí tích cực, chủ động bám sát tình hình nhiệm vụ của đất nước, của ngành, địa phương, đơn vị, tập trung tuyên truyền, cổ vũ các nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế. Báo chí tuyên truyền ca ngợi lịch sử hào hùng, những chiến công hiển hách của dân tộc ta trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Báo chí tuyên truyền, cổ vũ ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Hội nghị đã tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế, thiếu sót chủ yếu trong công tác báo chí năm 2012 đó là khuynh hướng thoát ly tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa” chậm được khắc phục; chưa quan tâm đầy đủ nhiệm vụ phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến; nội dung một số ấn phẩm phụ thiếu thiết thực, thiếu tầm văn hóa, công tác đấu tranh phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, thù địch chưa thực sự sắc bén. Các báo điện tử, trang tin điện tử để xảy ra sai sót, sai phạm về nội dung gây ảnh hưởng đến xã hội. Việc quản lý phóng viên thường trú, văn phòng đại diện của các cơ quan báo, đài ở địa phương còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo trong tuyển chọn nhân sự, giám sát hoạt động và phối hợp với các địa phương để có thông tin đánh giá chính xác hoạt động của các văn phòng đại diện…
Hội nghị thảo luận, đánh giá tình hình, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác báo chí năm 2013, năm bản lề thực hiện các mục tiêu, kế hoạch 5 năm 2011-2015 với các nhiệm vụ trọng tâm là đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng của Ban Biên tập, Tổng Biên tập, từng phóng viên; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với cách làm sáng tạo, sinh động, có hiệu quả, đúng định hướng; thực hiện tốt chức năng phản biện trên tinh thần khoa học, xây dựng…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đã biểu dương những nỗ lực vượt bậc của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội từ Trung ương đến địa phương. Các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy vai trò tích cực góp phần vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội, đồng thời đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh đã phân tích, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm, nhất là những giải pháp cơ bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí năm 2013; những vấn đề về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, phát triển, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đồng chí yêu cầu ngay sau hội nghị, các cơ quan báo chí cần thể hiện quyết tâm, trách nhiệm chính trị cao hơn; triển khai một cách nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ công tác báo chí năm 2013./.
Tin, ảnh: Xuân Thu