Ngày 19-11, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường phối hợp tổ chức thông tin, phổ biến pháp luật về thiên tai, lũ lụt và các vấn đề liên quan.
Theo đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đề nghị các ngành thành viên; Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan chủ động tham mưu, tăng cường tổ chức thông tin, phổ biến pháp luật về thiên tai, lũ lụt và các vấn đề liên quan. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành chức năng về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt. Trong đó, chú trọng phổ biến pháp luật, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai, bảo đảm nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan. Tập trung thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh; quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm của nhà sản xuất hàng tiêu dùng, nhà phân phối sản phẩm; trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức cung cấp các dịch vụ cho người dân; trách nhiệm của tổ chức và xã hội hỗ trợ người dân gặp nạn; các quy định về huy động, hỗ trợ, tài trợ; chính sách y tế, giáo dục, việc làm; việc xử lý các hành vi đầu cơ, trục lợi... Hình thức thông tin, phổ biến pháp luật về thiên tai, lũ lụt cần linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, điều kiện thực tiễn, bảo đảm thiết thực; truyền tải đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân. Trong đó chú trọng hoạt động thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, sử dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số để cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, chấp hành pháp luật có hiệu quả. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố có trách nhiệm tham mưu UBND, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện; cán bộ, công chức làm công tác pháp chế có trách nhiệm tham mưu, giúp thủ trưởng các sở, ban, ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nội dung này trên địa bàn hoặc các lĩnh vực quản lý. Trong quá trình triển khai cần chủ động nắm bắt kịp thời những vướng mắc, bất cập, vấn đề nóng nảy sinh để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kịp thời; góp phần thực hiện tốt việc PBGDPL và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn quản lý./.
Xuân Thu