Sáng 17-7, tại Thành phố Nam Ðịnh đã diễn ra phiên toàn thể Hội thảo “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh phối hợp tổ chức. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng: Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ðoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và các đồng chí: Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Ban Chỉ đạo Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các nhà khoa học; các Hiệp hội ngành nghề nông nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân. Dự hội thảo về phía tỉnh ta có các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh; Phạm Ðình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì buổi hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 nội dung lớn trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Ðể phát triển toàn diện, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Hội thảo “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” là diễn đàn quan trọng trong Kế hoạch tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhằm đi sâu đánh giá bản chất những chuyển biến ở nông thôn, tập trung phân tích 4 vấn đề “người dân - kinh tế - văn hóa - môi trường”, tìm hiểu nguyên nhân các tồn tại, vướng mắc, đúc kết các bài học kinh nghiệm, dự báo bối cảnh tương lai, những cơ hội, thách thức và đặt ra những vấn đề trọng tâm chuẩn bị cho các chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.
Phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng chí Ðoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy giới thiệu sơ lược về vị trí địa lý, lịch sử của tỉnh Nam Ðịnh và cho biết, đến nay toàn tỉnh đã có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Nam Ðịnh là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Tổng kết từ thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, có 2 điểm được coi là yếu tố then chốt nhất mang lại sự thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Nam Ðịnh đó là: sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; làm tốt công tác định hướng, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên quan điểm “xây dựng nông thôn mới chính là làm cho người dân và vì người dân nông thôn”; cộng đồng dân cư được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng; khi xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Ðịnh trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương để Nam Ðịnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Ðề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” ở huyện Hải Hậu; thực hiện các nội dung Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 và xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng tỉnh Nam Ðịnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Theo Báo cáo tại Hội thảo, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 6 năm thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, khu vực nông thôn Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao. Kết quả điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy, khoảng 84,78% số hộ nông thôn hài lòng về chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng dân cư nông thôn đối với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới gần 10 năm qua. Kinh tế nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu nông nghiệp tăng mạnh; lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Giai đoạn 2011-2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành Nông nghiệp đạt 2,95%/năm. Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Cùng với việc thực hiện nếp sống văn minh, nhiều hủ tục, mê tín, dị đoan cũng từng bước xóa bỏ. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể. Nhất là vấn đề xử lý rác thải ở khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn như: đời sống của người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững; kết quả xây dựng nông thôn mới chưa thực sự bền vững, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn; kết cấu hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng trầm trọng hơn…
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều khẳng định, tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật, song thực tế quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn những vấn đề tồn tại cần tổng kết rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra cơ chế, chính sách và giải pháp hiệu quả hơn cho xây dựng, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, mục tiêu về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đạt được những kết quả bao trùm đúng như tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định 899/QÐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đây là thành tựu rất đáng trân trọng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao đời sống người dân. Ở hầu khắp các vùng quê nông thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, điều kiện học tập, khám chữa bệnh… đã được tăng cường mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng gấp 3 lần từ năm 2010 đến năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giảm nhanh. Ðồng chí Bộ trưởng ghi nhận những đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo đã làm sáng tỏ cả về mặt lý luận và thực tiễn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở nước ta; làm cơ sở để Ban Chỉ đạo Trung ương hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết và đề ra các mục tiêu, giải pháp cho xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2021-2030./.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh