Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước năm 2012

07:03, 15/03/2012

Ngày 06-3-2012, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước năm 2012. Nội dung như sau:

Đầu năm 2012, do ảnh hưởng rét đậm, rét hại tác động bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp; dịch bệnh có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát; khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát trong nước làm giá cả biến động ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp phải thu nhỏ quy mô sản xuất, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ… một bộ phận người lao động thiếu việc làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-02-2011 của Chính phủ, Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 18/2011/NQ-HĐND; Nghị quyết số 19/2011/NQ-HĐND ngày 08-12-2011 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2012.

Nhằm tăng cường công tác quản lý và điều hành ngân sách, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu ngân sách nhà nước năm 2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho nhân dân, tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

Tập trung huy động lực lượng, phương tiện để cấy lúa xuân, lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất; chủ động phòng, chống dịch bệnh hại lúa phấn đấu đạt năng suất cao, giá trị hàng hóa lớn. Gắn thực hiện dồn điền, đổi thửa đất trong nông nghiệp với tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, thực hiện cánh đồng mẫu lớn sản xuất ra một loại sản phẩm và yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, trước hết là chi phí quản lý, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ, tìm kiếm thị trường mới, tăng cường xúc tiến đầu tư và quảng bá thương mại đẩy mạnh bán ra, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm.

Nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư mới. Thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn giúp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh đúng pháp luật, có hiệu quả và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Trong mọi điều kiện phải thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trước hết là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo.

2. Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước.

2.1. UBND các huyện, thành phố.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan thuế rà soát, tổng hợp các nguồn thu, tình trạng thất thu, nợ đọng thuế trên địa bàn, từ đó đề ra những giải pháp thiết thực hiệu quả ngay từ những tháng đầu năm 2012 nhằm quản lý, khai thác tốt các nguồn thu chống thất thu, có kế hoạch thu nợ thuế, chú ý các khoản thu thuế công thương nghiệp, thu từ lĩnh vực xây dựng cơ bản, các khoản nợ đọng và tiền thu quyền sử dụng đất… phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước đã giao.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu theo đúng chế độ quy định vào ngân sách nhà nước.

2.2. Cục Thuế tỉnh.

- Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý thu ngân sách; chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo quản lý, điều hành thu ngân sách có hiệu quả. Tổ chức thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo chính sách, pháp luật thuế. Tích cực phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường… thu thập thông tin, điều tra phát hiện các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để chống thất thu ngân sách.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế, phí, lệ phí để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của mình.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế, có biểu hiện trốn thuế, lậu thuế để chấn chỉnh kịp thời, chống thất thu ngân sách. Tích cực thu nợ thuế, thu dứt điểm các khoản nợ cũ, hạn chế phát sinh các khoản nợ mới. Kiên quyết thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với các trường hợp cố tình nợ thuế để thu hồi vào ngân sách nhà nước.

- Tiếp tục thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa tại cơ quan Cục Thuế và Chi cục Thuế các huyện, thành phố; tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, cá nhân chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế. Đồng thời xử lý nghiêm người gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.

2.3. Chi cục Hải quan Nam Định.

Chủ động tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp để tăng thu thuế xuất nhập khẩu; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tích cực triển khai Hải quan điện tử nhằm rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tuyên truyền vận động các doanh nghiệp về mở tờ khai hải quan và nộp thuế tại tỉnh Nam Định nhằm tăng thu ngân sách trên địa bàn.

3. Công tác quản lý chi ngân sách nhà nước.

3.1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành phải lường kết quả thu trên địa bàn để bố trí các khoản chi; đồng thời căn cứ vào chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định của nhà nước, của tỉnh, trình tự ưu tiên các khoản chi trước, chi sau, chi tiết kiệm, chống lãng phí góp phần cùng cả nước chống lạm phát thành công. Nghiêm cấm việc phân bổ dự toán, chi tiêu ngân sách không đúng mục đích, định mức, đối tượng dẫn đến các sai phạm trong quản lý ngân sách.

3.2. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 7356/BKHĐT-TH ngày 28-10-2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; từ năm 2012 đối với dự án chưa có khối lượng thực hiện chỉ tạm ứng tối đa 30% của tổng mức vốn kế hoạch được giao hàng năm, việc cấp phát và tạm ứng chi tiếp chỉ thực hiện sau khi thanh toán khối lượng hoàn thành.

Thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo trình tự, thủ tục đầu tư từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt đấu thầu, tổ chức thi công và thanh toán, quyết toán công trình. Đôn đốc thi công nhanh các công trình dở dang sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

3.3. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-02-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

- Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành bám sát dự toán đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, để quản lý và điều hành ngân sách hiệu quả, tiết kiệm. Dự phòng ngân sách các cấp và các khoản tiết kiệm chi thường xuyên trước hết đáp ứng kịp thời nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ khẩn cấp, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, trật tự. Các sở, ban, ngành, các huyện thành phố có phát sinh những nhiệm vụ đột xuất thì chủ động bố trí kinh phí đã giao trong dự toán đầu năm để giải quyết công việc (trừ đại hội nhiệm kỳ).

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện chi ngân sách; trước hết phải ưu tiên chi trả cho con người như: Lương, phụ cấp, sinh hoạt phí và các nhiệm vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội; xử lý dứt điểm tình trạng nợ lương, phụ cấp, sinh hoạt phí tồn đọng, đảm bảo lành mạnh tài chính xã. Kiên quyết không đầu tư mới các công trình khi chưa có nguồn vốn đảm bảo hoặc không có khả năng hoàn trả nợ.

- Kho bạc Nhà nước làm tốt công tác kiểm soát chi, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách thực hiện các thủ tục chi tiêu, thanh toán từ ngân sách; đồng thời phát hiện, ngăn ngừa việc chi tiêu lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác để đảm bảo chi ngân sách hiệu quả.
4. Về công tác thanh tra, kiểm tra tài chính ngân sách.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí dễ phát sinh tiêu cực chú ý các lĩnh vực chi: Xây dựng cơ bản, tiền thu cấp quyền sử dụng đất, chi đảm bảo xã hội, chi sự nghiệp môi trường… ở các cấp ngân sách để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích và đúng đối tượng.

- Chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý tài chính, tài sản nhà nước và đầu tư công, khắc phục tình trạng chi tiêu lãng phí, sai mục đích, tiêu chuẩn, định mức quy định và đầu tư xây dựng cơ bản thiếu tập trung kém hiệu quả.

- Thực hiện nghiêm túc các kết luận của Thanh tra, Kiểm toán về các sai phạm trong quản lý và điều hành ngân sách. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm.

5. Giao Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục Hải quan Nam Định có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com