Ảnh minh hoạ. |
Dự thảo đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của tỉnh được xây dựng trên căn cứ của Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động trong tỉnh. Dự báo dân số của tỉnh đến năm 2015 là trên 2,15 triệu người, lực lượng lao động khoảng trên 1 triệu người; đến năm 2020 dân số khoảng 2,25 triệu người, lực lượng lao động khoảng trên 1,10 triệu người. Dự án đặt mục tiêu đến năm 2015 đào tạo nghề cho 145 nghìn người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 42%; đến năm 2020 đào tạo nghề cho 205 nghìn người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. Dự thảo đề án cũng đề cập đến các nội dung cụ thể của dạy nghề nông thôn như tuyên truyền, tư vấn học nghề, xây dựng các mô hình đào tạo nghề, đầu tư phát triển mạng lưới và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp xã… Tổng kinh phí của đề án là 990,5 tỷ đồng chia cho từng giai đoạn. Đề án cũng nêu rõ tiến độ, vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ: Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là phải triển khai đạt hiệu quả cao nhất nội dung của đề án tại tỉnh ta. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực đánh giá cao các ý kiến đóng góp thiết thực trong việc xây dựng đề án. UBND tỉnh sẽ xem xét, bổ sung để ban hành đề án với nội dung sát thực, hiệu quả nhất. Các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương phải nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm cao nhất trong quá trình thực hiện để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra./.
Văn Đông