Tròn 50 năm trước, 500 thanh niên trẻ trong huyện Ý Yên đã xung phong nhập ngũ vào Tiểu đoàn 5 và 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320B chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị, đất Hạ Lào và nhiều chiến trường khác đầy gian khổ, ác liệt để góp phần đem lại hòa bình, tự do cho dân tộc. Sau những năm tháng kề vai sát cánh vào sinh, ra tử, trở về với cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) của Trung đoàn 52 ngày ấy tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, tổ chức nhiều hoạt động ấm tình đồng đội.
Hội đồng ngũ Tiểu đoàn 5, 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320B Ý Yên thăm hỏi, tặng quà hội viên. |
Ngày 25-5-1972, trên các ngả đường của các xã Yên Lộc, Yên Tiến, Yên Bằng, Yên Trị, Yên Lương, Yên Phúc, Yên Nghĩa, Yên Lợi, Yên Chính… từng tốp thanh niên trẻ hồ hởi, tràn đầy khí thế quyết tâm tiến về xã Yên Phong, nơi tập trung giao quân của Trung đoàn 52, Sư đoàn 320B. Nghe theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và xuất phát từ trái tim nhiệt huyết, sôi nổi của tuổi trẻ, họ từ giã cha mẹ, vợ con, quê hương yêu dấu… lên đường nhập ngũ. Sau một tháng huấn luyện, đơn vị được lệnh đi B. Ông Phạm Nghĩa Bình, CCB xã Yên Bình cho biết: “Hồi đó, đa phần chúng tôi đều rất trẻ và nhiệt huyết. Chúng tôi xác định, chiến tranh có mất mát, hy sinh nhưng không ngại vì tin vào chính nghĩa, vào lý tưởng của cuộc chiến đó là bảo vệ Tổ quốc thân yêu, bảo vệ gia đình, người thân, đưa đất nước giải phóng, hoàn toàn độc lập tự do”. Trận đầu tiên, đơn vị tham gia đánh địch ở cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Đến ngày 29 Tết năm 1972, đơn vị nhận lệnh kết hợp với Sư đoàn 968 hành quân sang giúp nước bạn Lào đánh quân Ngụy Lào. Ký ức đưa những người lính trở về với những ngày tháng gian khổ băng rừng, trèo đèo, lội suối để đến với đất bạn Lào. CCB Lưu Huỳnh, nguyên Tiểu đội phó Trinh sát Quân lực Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320B nhớ lại: “Những ngày chiến đấu trên đất nước Triệu Voi là những kỷ niệm vô cùng đẹp trong cuộc đời mỗi người lính để lại bao điều để nhắc, để nhớ… Đó là cảm giác lạ lẫm giữa những cánh rừng bạt ngàn cây lá; những đêm trăng đứng gác mà nhớ quê hương, gia đình, người thân. Đó còn là tình cảm thắm thiết của quân dân Việt Nam và quân dân Lào, của bà con nhân dân Lào đối với bộ đội; những lần vào sinh, ra tử ở các trận địa Tham Mường Sê, Keng Lọi để làm nên những chiến thắng vẻ vang...”. Ngoài chiến đấu giúp nước bạn Lào, những người lính của Trung đoàn 52 còn đến từng bản làng tuyên truyền, vận động bà con các bộ tộc Lào đoàn kết, không nghe theo luận điệu xuyên tạc, lôi kéo của biệt kích, gián điệp, vững tin vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa, giữ trọn tình cảm thủy chung son sắt giữa hai Đảng, Nhà nước, quân đội, dân tộc. Sau gần 1 năm làm nhiệm vụ chiến đấu tại Lào, đơn vị đã đánh tan các Zem 41, 42 (Zem tương đương Trung đoàn) quân Ngụy Lào. Tuy nhiên, đơn vị cũng không tránh được thương vong, mất mát. Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, Trung đoàn 52 được lệnh rút về Quảng Bình rồi ra Bắc sáp nhập với Sư đoàn 338 ở Phú Thọ làm nhiệm vụ huấn luyện quân bổ sung cho miền Nam và tham gia vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975. Năm 1979, đơn vị tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới Việt - Trung, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc… Trong thời gian dài tham gia chiến đấu, Trung đoàn 52 xuất hiện những gương mưu trí dũng cảm như các trinh sát Nguyễn Minh Đức, Lưu Văn Huỳnh, Phạm Thanh Liên, Nguyễn Xuân Tiến…; đặc biệt là người Đại đội trưởng đặc công Đỗ Văn Nghìn đã mưu trí chỉ huy 1 đại đội đặc công thọc sâu tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch tại bình độ 400 Lạng Sơn. Từ những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 52 trên khắp các mặt trận, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã ghi nhận, trao nhiều phần thưởng cao quý.
Chiến tranh kết thúc, những người lính trong Trung đoàn 52 trở lại cuộc sống đời thường, mỗi người chọn cho mình hướng đi mới. Có người trở về quê hương tiếp tục gắn bó với ruộng đồng, cày cuốc, xây dựng kinh tế gia đình. Người đứng trên bục giảng quay lại với bảng đen, phấn trắng, truyền cho thế hệ trẻ không chỉ kiến thức mà còn lý tưởng đẹp đẽ, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường của người lính. Nhớ nhau, đến năm 1998, họ tổ chức họp mặt lần đầu, thành lập Hội đồng ngũ Tiểu đoàn 5, 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320B huyện Ý Yên với 150 hội viên. Mỗi năm một lần, những người đồng chí, đồng đội từ khắp nơi trong huyện, các tỉnh lận cận như Hà Nam, Ninh Bình về bên nhau, tay bắt mặt mừng, ân cần hỏi han, kể cho nhau nghe những kỷ niệm thời quân ngũ. Họ mừng rỡ khi thấy nhau còn mạnh khỏe, minh mẫn, thành đạt, công việc làm ăn thuận lợi, phát triển. Biết người nào đau ốm, họ cùng nhau đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Đồng đội nào qua đời, họ cùng nhau lo việc tang lễ, ma chay… Từ năm 1990 đến nay, Hội đã thăm hỏi, động viên trên 200 lượt hội viên với số tiền trên 100 triệu đồng. Những người đồng chí, đồng đội xưa còn lập quỹ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Được đồng chí, đồng đội động viên, CCB Nguyễn Xuân Điều, xóm An Thanh, xã Yên Bình đã thuê đất, mở trang trại VAC rộng 3ha với 4 ao nuôi các loại cá giống và cá thịt như chép, trôi, mè, trắm; 1 mẫu lúa, trồng sen, trồng các loại cây ăn quả. Hàng năm, trừ chi phí, ông Điều thu lãi gần 200 triệu đồng. CCB Nguyễn Văn Mạc, xã Yên Chính mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ thương mại cho thu nhập cao. CCB Nguyễn Đức Lập hiện đang sinh sống ở Hải Phòng, mở dịch vụ cho thuê bàn ghế với doanh thu hàng năm lên tới cả trăm triệu đồng. Những người ở lại tiếp tục gắn bó với môi trường Quân đội cũng đạt thành tích cao trong công tác như: PGS, Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Xuân Tiến, giảng viên Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Đại tá Ninh Quang Vẻ, Trưởng phòng Quân báo, Quân khu 3; Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình; Lưu Văn Huỳnh, giảng viên Trường Chính trị Tô Hiệu (Hải Phòng)…
Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ năm nay, những người lính Trung đoàn 52 từng vào sinh ra tử bên nhau ở khắp các chiến trường năm xưa lại trở về quê nhà tổ chức gặp mặt, ôn lại lịch sử đơn vị cùng những ngày tháng cùng nhau chiến đấu, thực hiện lý tưởng cao đẹp, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Theo thời gian, từ những chàng trai tuổi 20 tóc hãy còn xanh, tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết họ đã lên chức ông nội, ông ngoại. Nhưng mỗi lần gặp nhau, niềm vui, sự sôi nổi vẫn ánh lên trong ánh mắt, lời nói của những người lính già đã từng kinh qua gian khó, kinh qua chiến tranh, mất mát, hy sinh... Họ tự hào vì được đứng trong hàng ngũ của những người lính, gìn giữ được phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cả trong thời chiến lẫn thời bình./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân