ThS. Hoàng Thanh Hải
Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí đã có nhiều đóng góp và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lịch sử cách mạng Việt Nam luôn luôn ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã có những quyết sách vô cùng sáng tạo trong việc nắm vững thời cơ, cổ vũ đồng bào cả nước đứng lên tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, giành thắng lợi vẻ vang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Những đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương được thể hiện trên một số nội dung chính sau đây:
Người góp phần củng cố tổ chức Ban Chấp hành Trung ương giai đoạn sau khi bị thực dân Pháp khủng bố nặng nề; từng bước lãnh đạo, củng cố hệ thống tổ chức của Đảng và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ngày 26-9-1939, Tổng thống Pháp Albert Lebrun đã ký sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp. Nước Pháp thua trận, Chính phủ đầu hàng của Pháp lại tiến thêm một bước trong việc thi hành những chính sách cực kỳ phản động, giải tán các tổ chức dân chủ, tiến bộ ở nước Pháp và ở các thuộc địa. Nhiều đảng viên cộng sản, nhiều người yêu nước, dân chủ và tiến bộ ở Pháp và các thuộc địa của Pháp bị bắt bớ, giam cầm. Đảng Cộng sản Đông Dương và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo bị kẻ thù điên cuồng tấn công. Báo chí tiến bộ bị đóng cửa. Hàng loạt cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt bớ, đày đọa trong các nhà tù và trại tập trung. Dưới sự khủng bố của thực dân Pháp, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng bị địch bắt, tù đày, giết hại trong thời kỳ này như: đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) bị bắt ngày 17-1-1940; Hà Huy Tập (nguyên Tổng Bí thư) bị bắt ngày 30-3-1940, đồng chí Lê Hồng Phong (ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, nguyên tổng Bí thư của Đảng) bị bắt tháng 2-1940, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần (ủy viên Trung ương), Nguyễn Thị Minh Khai (Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn)... Ban Chấp hành Trung ương Đảng chưa lập lại được.
Trước những chuyển biến mau lẹ của Chiến tranh thế giới lần thứ hai và tình hình sục sôi của phong trào cách mạng trong nước khi mà nhân dân Việt Nam "một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nổ lệ cho Nhật", trong bối cảnh Ban lãnh đạo Đảng chưa lập lại được, vượt qua sự truy sát của kẻ thù, đồng chí Trường Chinh cùng với Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) đã góp phần tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí trở thành Quyền Tổng Bí thư tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (11-1940).
Với cương vị Quyền Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương mới từng bước lãnh đạo chắp nối liên lạc, khôi phục, củng cố hệ thống tổ chức Đảng, xây dựng các an toàn khu. Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy, nhận được tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về đến gần biên giới Việt - Trung, đồng chí Trường Chinh cử đồng chí Hoàng Văn Thụ qua biên giới tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình, xin ý kiến chỉ đạo và đón Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 28-1-1941, sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Tổ quốc. Từ đó, phong trào cách mạng Việt Nam dần dần được khôi phục và củng cố.
Người trực tiếp chỉ đạo mở rộng Mặt trận Việt Minh; củng cố các an toàn khu, xây dựng các chiến khu; thống nhất các lực lượng vũ trang; phát triển báo chí của Đảng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát động tổng khởi nghĩa
Tháng 5-1941, thay mặt Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa I). Tại Hội nghị, đồng chí Trường Chinh chính thức được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị vạch rõ: "Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công". Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương. Để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân dưới lá cờ của Đảng, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập "Việt Nam độc lập đồng minh" (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) cùng các đoàn thể cứu quốc.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, được đồng chí Trường Chinh chuẩn bị theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là bước hoàn chỉnh về sự thay đổi chiến lược, là "CHÍNH SÁCH MỚI" của Đảng, bao gồm: 15 khẩu hiệu đấu tranh phù hợp với nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng; hướng tuyên truyền, hình thức đấu tranh, công tác xây dựng Mặt trận Việt Minh và lãnh đạo Mặt trận; gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, một công tác vô cùng quan trọng và khẩn cấp lúc này.
(còn nữa)