Trường Chinh với sự chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám trong lần lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi công tác nước ngoài (kỳ 3)

06:06, 10/06/2021

PGS.TS. Phạm Hồng Chương

(Tiếp theo)

Sau hai năm chống khủng bố ác liệt, từ năm 1943, phong trào cách mạng dần được phục hồi ở miền Nam và ở miền Bắc đã xuất hiện những dấu hiệu của cao trào cách mạng với sự ra đời của đội Cứu quốc quân đầu tiên và hàng chục đội du kích thoát ly. Việt Minh đã có cơ sở rộng khắp cùng các căn cứ địa liên hoàn nối liền sáu tỉnh Việt Bắc và các tỉnh trung du. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa được dấy lên mạnh mẽ. Trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, Đảng ta cũng giành được nhiều kết quả đáng kể. Sách, báo của Đảng và Mặt trận Việt Minh trở thành vũ khí sắc bén tập hợp quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa.

Để xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đồng chí Trường Chinh chủ trương tăng cường công tác binh vận trong binh lính người Việt, lính lê dương, lính Pháp. Đảng cử người liên lạc với một số đảng viên cộng sản, phái tả Đảng xã hội Pháp trong đội quân lê dương và giới công chức Pháp ở Việt Nam; liên lạc với những người Pháp thuộc phái Đờ Gôn ở Đông Dương nhằm xây dựng liên minh chống phát xít Nhật - Pháp ở Đông Dương.

Để thống nhất về tư tưởng, hành động, một trong những vấn đề mà Trung ương Đảng ta cần phải giải thích rõ là việc, ngày 15-5-1943, Quốc tế Cộng sản ra tuyên bố tự giải tán. Ngày 1-6-1943, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, Trung ương Đảng ta ra thông cáo "Đẩy mạnh cuộc chiến tranh chống phát xít xâm lược" chỉ rõ rằng "Quốc tế Cộng sản là một tổ chức... hình thức tổ chức của nó, cách thức làm việc của nó cho tới sự tồn tại của nó, phải thay đổi tùy theo "những đặc điểm của một tình thế lịch sử nhất định". Tình thế đó chính là vì làm cho Anh - Mỹ mất cớ trì hoãn việc mở mặt trận thứ hai đánh phát xít và "để củng cố mặt trận dân chủ quốc tế chống phát xít xâm lược, ủng hộ Liên Xô mau chiến thắng, làm cho cách mạng thế giới có thêm điều kiện thắng lợi". Đó là "hành động khôn khéo có lợi cho cách mạng". Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi phải đánh đổ những ý kiến dao động, hoài nghi nảy ra trong hàng ngũ ta sau việc Quốc tế Cộng sản tự giải tán... Kịp thời thông báo và giải thích đúng đắn về việc tự giải tán của Quốc tế Cộng sản làm cho đội ngũ của Đảng càng thêm thống nhất về tư tưởng, chặt chẽ về tổ chức.

Để Đảng thêm vững vàng, đoàn kết nhất trí, đảm nhiệm được sứ mệnh lịch sử trọng đại trước dân tộc và giai cấp, Tổng Bí thư Trường Chinh thường xuyên coi trọng nhiệm vụ củng cố và phát triển Đảng, chỉ đạo tổ chức Đảng các cấp làm việc theo nguyên tắc tuyệt đối bí mật, thường xuyên cảnh giác với những phần tử A.B. Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt (8-1943) và bị Pháp xử bắn (5-1944), đồng chí Trường Chinh chủ trương tổ chức "lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ" kết nạp những người ưu tú xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức yêu nước làm cho hàng ngũ Đảng thêm vững mạnh. Mặt khác, đồng chí cũng chăm lo lãnh đạo và trực tiếp huấn luyện, đào tạo cán bộ, tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày, các lớp bồi dưỡng cấp tốc ở nhiều cấp, nhiều địa phương nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự, binh vận,... cung cấp cho phong trào cách mạng.

Ngày 7-5-1944, để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị khởi nghĩa, lấy danh nghĩa Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Trường Chinh đã viết Chỉ thị "Sửa soạn khởi nghĩa" nêu rõ thời cơ hết sức thuận lợi cho ta giành quyền độc lập sắp tới, song thời cơ không phải tự nó đến mà phải do ta chuẩn bị, thúc đẩy. Phải tìm mọi cách đẩy mạnh cao trào cứu nước, đưa quần chúng từ cuộc đấu tranh giành quyền sống hằng ngày tiến lên đấu tranh giành chính quyền; thống nhất các tổ chức cứu quốc; đẩy mạnh tổ chức các đội tự vệ, đội du kích; lập "quỹ mua súng" và tự tạo lấy một phần vũ khí; cử người phụ trách quân sự ở mỗi cấp; theo dõi sát thời cuộc để chọn đúng thời cơ khởi nghĩa và việc chọn giờ phát động khởi nghĩa là một nghệ thuật. Để đưa chỉ thị quan trọng này vào quần chúng cả nước, bắt đầu từ mùa thu năm 1944, trên báo Cờ Giải phóng xuất hiện một loạt bài, với bút danh T.Tr của đồng chí, dưới tiêu đề chung "Sửa soạn khởi nghĩa".

Ngày 28-7-1944, trong bài "Hãy nắm lấy khâu chính", đồng chí Trường Chinh đã chỉ ra năm việc quan trọng của công tác chuẩn bị khởi nghĩa phải tiến hành đồng thời là: phát triển lực lượng vũ trang; huấn luyện cán bộ quân sự; trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang; vận động binh lính để lấy vũ khí; huấn luyện chiến thuật du kích và kinh nghiệm cho cán bộ đảng viên. Để giải quyết từng nhiệm vụ trên, đồng chí yêu cầu "mỗi địa phương phải có kế hoạch thi hành Chỉ thị "Sửa soạn khởi nghĩa" cho sát hợp với địa phương mình" và khẩu hiệu lúc này là: "Giờ thực hành đã đến. Hãy bắt tay vào việc".

Trong bài báo "Hãy tiến gấp", Tổng Bí thư hiệu triệu: "Các chiến sĩ cách mạng Đông Dương! Các giới đồng bào yêu nước! Thời cuộc trong ngoài hết sức có lợi cho ta. Dịp tết ngàn năm có một đang lại. Hãy tiến gấp! Hãy kíp sửa soạn khởi nghĩa theo chỉ thị đã ra. Các đồng chí hãy kiên nhẫn và mạnh dạn thuyết phục đồng bào. Hãy thi nhau phát triển tổ chức; thi nhau đẩy mạnh phong trào đấu tranh quần chúng. Vận mệnh các dân tộc Đông Dương đã đặt trong tay chúng ta. Phải hy sinh, phấn đấu. Phải kiên quyết, tích cực. Bỏ lỡ cơ hội là một tội ác. Phải sẵn sàng đón lấy cơ hội và chuẩn bị đủ điều kiện tóm lấy nó... Tiến lên chuẩn bị cầm súng, tuốt gươm, giải phóng cho dân tộc khỏi ách nặng nề của phát xít Nhật, Pháp! Tiến lên dự một phần vẻ vang vào công cuộc tiễu trừ phát xít, dựng lại hòa bình, hạnh phúc cho loài người!".

Tiếp theo bài báo trên là loạt bài của Tổng Bí thư chỉ đạo, dưới bút danh Tân Trào, hướng dẫn cụ thể thực hiện từng nhiệm vụ trên.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com