Ấm áp nghĩa tình nữ chiến sĩ Trường Sơn

08:05, 28/05/2021

Ngôi nhà nhỏ trong ngõ 491 đường Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) của bà Phạm Thị Chung, nữ chiến sĩ Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh năm xưa luôn ngập tràn tiếng nói, cười của đồng đội đến thăm, ôn lại kỷ niệm những năm tháng hoạt động sôi nổi, hào hùng của tuổi trẻ với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. 

Các nữ chiến sĩ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh luôn chia sẻ, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Các nữ chiến sĩ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh luôn chia sẻ, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Bà Chung cho biết: “Tháng 8-1973, hơn 600 cô gái tỉnh Hà Nam Ninh khi ấy mới 16, 17 tuổi đã viết đơn xung phong đi bộ đội, và được phân vào Tiểu đoàn 2 (còn gọi là Tiểu đoàn 2 Gái Nam Hà). Sau hơn 1 tháng huấn luyện tại Lý Nhân (Hà Nam), Tiểu đoàn 2 di chuyển vào chiến trường, biên chế thuộc Sư đoàn 473, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Với tinh thần xung kích, không sợ khó, sợ khổ của tuổi trẻ, các nữ chiến sĩ đã ngày đêm tích cực mở tuyến đường mòn Trường Sơn để tạo thuận lợi cho miền Bắc chi viện lực lượng, lương thực, vũ khí cho miền Nam ruột thịt. Những tuyến đường mòn Hồ Chí Minh chạy từ đường 9 Nam Lào đến Quảng Nam, những địa danh ác liệt như Khe Sanh, Lao Bảo (Quảng Trị)… đều in dấu chân, thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của các nữ chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của tỉnh. Mặc dù trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, bệnh sốt rét hoành hành, nhưng các nữ chiến sĩ không quản khó khăn, vất vả, đảm nhiệm tất cả các công việc từ phá núi mở đường đến đảm bảo thông tin liên lạc, nuôi quân, văn hóa, văn nghệ. Gian khổ nhưng trong họ vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời... Sau khi đất nước thống nhất các nữ chiến sĩ trên trở về địa phương, người tham gia công tác tại khu dân cư, người phụ giúp con cái…”. Trong câu chuyện của các nữ chiến sĩ Trường Sơn nay đã lên chức bà nội, bà ngoại, càng cảm nhận được những nghĩa tình của những người từng vào sinh ra tử. Họ mừng cho nhau những niềm vui mới, sẻ chia những khó khăn, vất vả của cuộc sống. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Bà Nguyễn Thị Kỳ ở xã Thành Lợi (Vụ Bản) năm nay 65 tuổi cho biết: Sau khi từ chiến trường trở về, bà lập gia đình với chồng là bộ đội rồi sinh 3 người con. Những năm gần đây, chồng bà vốn mang trong mình chất độc hóa học trở bệnh nặng, mọi sinh hoạt đều phải một tay bà đảm nhận. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà vẫn tích cực tham gia công tác hội, là thành viên Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn của tỉnh. Sau khi nghỉ hưu, từ năm 2003 đến nay, bà Chung tham gia công việc của khu dân cư, được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố số 25 phường Phan Đình Phùng. Hết mình với công việc của khu dân cư, người nữ đảng viên 45 năm tuổi Đảng luôn được cán bộ, đảng viên, nhân dân yêu mến. 

Bà Trần Thị Thanh, Trưởng ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh cho biết: Ban liên lạc được thành lập từ năm 1998, đến năm 2015 trực thuộc Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh để tập hợp các nữ cựu quân nhân, thanh niên xung phong dân công hỏa tuyến đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Ban liên lạc truyền thống đã có 4.450 hội viên, trong đó có 1.300 người là bộ đội, 3.200 người là thanh niên xung phong, 50 người là dân công hỏa tuyến. Trong chiến tranh anh dũng, kiên cường, đồng tâm hiệp lực chiến đấu, công tác, nên khi về đời thường các thành viên của Ban liên lạc tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống Trường Sơn năm xưa, tích cực thực hiện cuộc vận động “Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao cuộc sống”. Dù còn nhiều khó khăn vất vả, những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vẫn tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế xây dựng gia đình nuôi dạy con cháu, tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, bệnh tật, khi đời sống khó khăn. Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp về vật chất, tinh thần cho hội viên, xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Ban liên lạc các huyện, thành phố cũng tích cực phối hợp với địa phương thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thông qua các buổi gặp gỡ tân binh trước khi lên đường nhập ngũ, những câu chuyện của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn năm xưa đã khơi dậy tinh thần dân tộc, về truyền thống tự hào của những tân binh thời bình với các thế hệ cha anh. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay Ban liên lạc đã tổ chức 15 lần cho 1.650 lượt hội viên đi thăm chiến trường xưa tại tỉnh Quảng Trị, trao tặng 450 suất quà trị giá 220 triệu đồng cho cựu chiến binh (CCB) và học sinh nghèo vượt khó; tặng 1 căn nhà cho CCB Trường Sơn thuộc xã Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa. Trong 4 lần tổ chức đi thăm di tích Điện Biên Phủ, Ban liên lạc cũng tặng 200 suất quà trị giá 100 triệu đồng cho học sinh nghèo học giỏi và CCB tỉnh Điện Biên; thăm và tặng 30 suất quà cho học sinh và CCB ở tỉnh Cao Bằng; tặng 370 suất quà cho nhân dân tỉnh Quảng Bình, 500 suất quà cho nhân dân tỉnh Hà Tĩnh bị ảnh hưởng do lũ lụt; tặng 11 suất quà cho nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Quảng Ninh. Xót đau về chiến sĩ Nguyễn Thị Hồng quê xã Yên Thắng (Ý Yên) bao năm vẫn nằm ở Trường Sơn đại ngàn, Ban liên lạc đã tổ chức cho gia đình và đồng đội 3 lần vào chiến trường xưa để tìm mộ. Bên cạnh đó, Ban liên lạc tích cực vận động, xây dựng 21 nhà tình nghĩa cho hội viên; tặng 730 suất quà cho hội viên và 6 xe lăn cho hội viên là thương binh và nạn nhân chất độc da cam… Nhiều cán bộ, hội viên nữ chiến sĩ Trường Sơn thành đạt, gia đình có điều kiện cũng đóng góp quỹ hội giúp đỡ đồng đội nghèo khó, bệnh tật; tiêu biểu như hội viên Nguyễn Thị Bình đã ủng hộ 95 triệu đồng tặng quà cho hội viên; tài trợ 70 triệu đồng xây dựng nhà cho đồng đội Cao Thị Tho ở Hải Hậu. Các hội viên: Phạm Thị Nhung, Trần Thị Thanh, Nguyễn Thị Kỳ, Phạm Thị Mai ủng hộ 20-30 triệu đồng cho hội, qua đó thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, chia sẻ ngọt bùi với những đồng đội còn khó khăn, vất vả. Các hoạt động thăm hỏi ốm đau khi trái gió trở trời, việc hiếu, việc hỷ, giao lưu văn hóa văn nghệ… cũng được Ban liên lạc các huyện, thành phố duy trì tổ chức, đã góp phần xây dựng hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

Là tổ chức “tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí”, phần lớn hội viên đều cao tuổi, hoàn cảnh nhiều người còn khó khăn, nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin…, Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, tập hợp thu hút, vận động hội viên. Dù vậy, những người nữ chiến sĩ Trường Sơn vẫn sống lạc quan, yêu đời, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là những tấm gương sáng để tiếp thêm bản lĩnh, ý chí cho thế hệ trẻ hôm nay./.

Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com