PGS.TS. Phạm Hồng Chương
(Tiếp theo)
Ngày 10-8-1944, Việt Minh ra lời kêu gọi quốc dân, đồng bào "sắm vũ khí, đuổi thù chung", "Phải làm sao cho những đội quân du kích do Việt Minh tổ chức ra sẵn có vũ khí trong tay để, một khi dịp tốt đến, có thể theo hiệu lệnh kịp thời xông ra giết giặc, làm cái đà cho các tầng lớp đồng bào nổi dậy đuổi chúng ra khỏi nước". Lấy vũ khí của địch, tự sắm lấy vũ khí, góp tiền mua vũ khí cho Việt Minh là việc chung của các giới đồng bào yêu nước.
Tiếp theo chỉ đạo trên, ngày 28-9-1944, báo Cờ Giải phóng lại đăng bài báo của đồng chí Tổng Bí thư nhan đề "Bồi bổ điều kiện vật chất cho cuộc khởi nghĩa" chỉ rõ rằng "thắng lợi của cách mạng không bao giờ tự nó đến. Phải sửa soạn nó, chinh phục nó. Khởi nghĩa là một việc lớn, phải sửa soạn nó bằng những phương pháp cụ thể, thực tế và tỉ mỉ. Cố nhiên tinh thần cách mạng của nhân dân là cần. Nhưng không thể trông cậy vào tinh thần ấy mà giải quyết mọi vấn đề được. Phải sửa soạn điều kiện vật chất cho cuộc khởi nghĩa. Điều kiện vật chất ấy là gì? Là đội quân cách mạng và vũ khí".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, năm 1959. |
Tiếp theo những bài báo trên là một loạt các bài báo liên quan giúp cho người đọc nắm rõ tình thế cách mạng trong và ngoài nước, thấy được thời cơ cách mạng đã đến gần, phải kịp thời nắm lấy mà tự giải phóng. Bài "Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ" đăng trên báo Cờ Giải phóng, số 7, ngày 28-9-1944, là một điển hình.
Bằng giác quan chính trị nhạy bén, đồng chí Tổng Bí thư đã phát hiện hàng loạt vấn đề liên quan đến nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa để định hướng và chỉ đạo thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể giúp cho người đọc của Cờ Giải phóng hiểu rõ rằng nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa mà Đảng đưa ra từ tháng 5-1944 trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong lúc này của cách mạng nước ta. Vì vậy, từ nửa sau năm 1944, các yếu tố về điều kiện vật chất và tinh thần cho cuộc quyết đấu với kẻ thù được chuẩn bị kỹ càng và với không khí khẩn trương của đồng bào cả nước.
Tại các căn cứ địa cách mạng, quần chúng đã sẵn sàng nổi dậy. Ở Vũ Nhai (Thái Nguyên), cấp ủy địa phương đã phát động khỏi nghĩa khi địch mở cuộc càn quét lớn vào tháng 10-1944. Nhận được tin đó, đồng chí Trường Chinh đã biểu dương tinh thần cách mạng của cán bộ và quần chúng, đồng thời nghiêm khắc phê bình sai lầm của cấp ủy địa phương và cử ngay cán bộ về tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ cơ sở bảo toàn lực lượng. Để hướng dẫn cho các địa phương trước sự khủng bố của kẻ thù, với bút danh Trương Trịnh, đồng chí viết bài "Chống khủng bố" trên báo Cờ Giải phóng, số 8, ngày 10-11-1944, chỉ đạo những việc làm cụ thể để bảo vệ phong trào với tinh thần "hãy tẩy rửa tâm lý chống khủng bố bằng cách chạy trốn và phải học lấy cách tích cực chống khủng bố ngay tại chỗ".
Tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc, chỉ rõ: "Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp ta phải làm nhanh!", về tới Pác Bó (Cao bằng), Người đề ra chủ trương lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ở Cao Bằng. Nhưng đến tháng 2-1945, Người lại đi Trung Quốc tiếp xúc với quân Đồng minh đến tháng 5-1945, mới trở về.
Trong thời gian này, trong nước có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Đêm ngày 9-3-1945, Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương. Cũng trong đêm đó, đồng chí Trường Chinh đã họp Ban Thường vụ Trung ương phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự kiện này và cho rằng đó là một cuộc khủng hoảng chính trị tạo ra những điều kiện làm nhanh chóng chín muồi thời cơ cách mạng ở Đông Dương, đặt Đông Dương vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nhiệm vụ của Đảng lúc này là phát động phong trào kháng Nhật, cứu nước, lãnh đạo toàn dân gấp rút hơn nữa chuẩn bị sẵn sàng cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền khi thời cơ đến. Toàn bộ nội dung cơ bản của Hội nghị được thể hiện trong Chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đã thúc đẩy các hoạt động của Đảng và toàn dân trên khắp cả nước.
Từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945, đồng chí Trường Chinh triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ nhằm tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật và quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân, xây dựng bảy chiến khu trong cả nước và phải "đánh thông liên lạc giữa các chiến khu Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Nam Kỳ". Tiếp theo đó, đồng chí chỉ đạo Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị "Về việc tổ chức các ủy ban dân tộc giải phóng" (16-4-1945) coi đó là hình thức chính phủ, trong đó nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng.
Như vậy, trong thời gian dài, với hai lần lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi công tác nước ngoài (8-1942 - 9-1944 và 2-1945 - 5-1945), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh, những nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa đã được thực hiện chu đáo, toàn diện theo tư tưởng của Người, Đảng và nhân dân ta sẵn sàng thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng tiến lên Tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho Tổ quốc khi thời cơ đến. Những đóng góp đó làm nổi bật vai trò của người đứng đầu Đảng ta, nhà lãnh đạo kiệt xuất Trường Chinh./.