Nhà báo Trần Đình Long (1904-1945), sinh ra trong một gia đình thương nhân khá giả tại thành phố Nam Định. Thuở thiếu thời, Trần Đình Long theo học tại Trường Thành Chung ở Nam Định, sau đó được sang Pháp tiếp tục học tập. Tại đây, Trần Đình Long sớm tham gia phong trào đấu tranh do Đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo, sau đó ông được giới thiệu sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.
Nhà báo Trần Đình Long (1904-1945). |
Năm 1935, sau khi tốt nghiệp, Trần Đình Long qua Pháp rồi về nước hoạt động trong phong trào cách mạng. Sau khi đã tìm hiểu tình hình xuất bản báo chí bí mật của Đảng tại Hà Nội, Trần Đình Long gia nhập nhóm Le Travail (Lao Động), một tờ báo tiếng Pháp được nhiều trí thức và thanh niên thường xuyên theo dõi. Trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đòi tự do dân chủ, chống chế độ áp bức, bóc lột, Nhà báo Trần Đình Long luôn tỏ ra là một chiến sĩ kiên cường, viết không mệt mỏi.
Cho đến nay, có nhiều người vẫn thắc mắc vì sao một số tờ báo cách mạng lại có thể phát hành ngay tại Hà Nội mà không bị quân địch phát hiện? Xin thưa rằng! Để một tờ báo bí mật của Đảng có thể xuất bản trong lòng địch, các nhà báo cách mạng của chúng ta đã nảy ra sáng kiến cho xuất bản một tờ báo bằng tiếng Việt, lấy danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Việt Nam. Sau đó phải thương lượng với người có giấy phép ra báo để họ nhường quyền xuất bản báo cho với điều kiện là hàng tháng các nhà báo của chúng ta phải trả cho họ một số tiền. Các tờ báo bằng tiếng Việt xuất bản vào những năm 1936-1939 như Thời thế, Thời báo, Tin tức, Đời nay... đều ra đời bằng hình thức như thế.
Năm 1936, nhóm các nhà báo của Trần Đình Long được đội ngũ làm tờ báo Khỏe nhường lại quyền xuất bản. Nhà báo Trần Đình Long được cử làm phụ trách tờ báo này. Tuy nhiên, chưa kịp xuất bản thì tờ báo đã bị Thống sứ Bắc Kỳ rút giấy phép.
Năm 1937, nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách để đóng cửa tờ Le Travail, Nhà báo Trần Đình Long chuyển sang viết cho báo Thời thế, xuất bản hàng tuần ở số nhà 27 phố Ngõ Trạm mới. Trên tờ báo này, Nhà báo Trần Đình Long viết hồi ký Ba năm ở Nga Xô viết rất được bạn đọc hoan nghênh, nó giúp nhiều người dân Việt Nam hình dung cụ thể về đất nước này. Khi viết cho báo Tin tức (do đồng chí Trường Chinh phụ trách), Nhà báo Trần Đình Long viết nhiều thể loại: chính luận, truyện ngắn, phóng sự. Ông thường ký bút danh Lương Phong hoặc L.P.
Nhóm Le Travail vận động ông Trịnh Văn Phú vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Chụp tại số 13 Rondony (Hàng Thùng, Hà Nội), ngày 9-5-1939 (Nhà báo Trần Đình Long đứng thứ 2 từ phải sang, hàng đầu). Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam |
Cuối năm 1940, Nhà báo Trần Đình Long bị địch bắt giam và đưa lên nhà tù Sơn La cùng với nhiều nhà báo, nhà cách mạng: Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Phúc, Văn Tiến Dũng, Trần Đức Sắc... Tháng 3-1945, sau khi quân đội Nhật Bản làm đảo chính lật đổ Pháp, Nhà báo Trần Đình Long được Chi bộ Đảng ở nhà tù Sơn La bố trí cho vượt ngục. Về đến Hà Nội, ông liên lạc được với cơ sở Đảng và bắt tay ngay vào hoạt động.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Nhà báo Trần Đình Long được Đảng phân công giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại. Tuy nhiên, vào một buổi tối cuối năm 1945, Nhà báo Trần Đình Long vừa đi làm về (nhà ông khi đó ở số 26 phố Hàng Gạo, nay là phố Đồng Xuân), đang chuẩn bị dùng cơm với gia đình thì một nhóm người của Việt Nam Quốc dân Đảng ăn mặc giả làm quân Tưởng Giới Thạch xông vào và bắt ông lên xe ô tô. Chúng đưa ông đến nhốt ở trường Đỗ Hữu Vị, khi đó là cơ quan của chúng và thủ tiêu ông. Kể từ đó đến bây giờ, không có bất cứ thông tin gì về tung tích của Nhà báo Trần Đình Long. Trên Báo Sự Thật, số ra từ ngày 20 đến 23-1-1946, có đăng chùm bài viết của Nhà báo Thép Mới tố cáo nhóm người của Việt Nam Quốc dân Đảng đã bắt cóc Nhà báo Trần Đình Long.
Nhà báo Trần Đình Long là một nhà báo đa tài nhưng tiếc thay! Mệnh của ông lại quá bạc. Ngay đến việc ông mất tích (kỳ thực đã bị thủ tiêu) cho đến nay cũng không tìm ra được câu trả lời rõ ràng. Hình ảnh duy nhất hiện lên trong tiềm thức của những nhà báo cùng thời với ông đó là một người có hình dáng cao vừa phải, khuôn mặt đẹp nổi bật với chiếc mũi cao, nói chuyện có duyên và giao thiệp lịch sự. Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, nhiều người sẽ cho rằng Nhà báo Trần Đình Long là người thuộc tầng lớp xa hoa, giàu có. Phải sống và làm việc lâu với ông, mới thấy rằng đây là một nhà báo cách mạng kiên trung, lập trường vững vàng, trong nhiều tình huống khó khăn, nguy hiểm vẫn không chịu lùi bước.
Nhà báo Trần Đình Long xứng đáng là một “Nhà báo - Chiến sĩ” với những đóng góp to lớn cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc./.
Thành Nam