Đồng chí Trường Chinh với Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (kỳ 1)

05:04, 08/04/2021

TS. Lê Thị Hiền

Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 81 tuổi đời và trên 60 năm liên tục hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng và Bác Hồ chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, phức tạp, nắm bắt đúng thời cơ vận động của lịch sử, kịp thời đưa ra những quyết định ghi dấu ấn thời đại. Một trong những đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh đó là quyết định thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đề ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", góp phần tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, quân phát xít liên tiếp thất bại trên nhiều mặt trận. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Hồng quân Liên Xô tiến như vũ bão về phía Béclin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức. Tháng 8­-1944, Paris được giải phóng, tướng Đờ Gôn lên cầm quyền. Ở Thái Bình Dương, phát xít Nhật đang nguy khốn, đường biển từ Nhật Bản xuống Đông Nam Á bị quân Đồng minh khống chế. Mỹ đổ bộ lên Philíppin, khống chế phần đường biến từ Nhật Bản đến Inđônêxia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc.

Ở Đông Dương, về phía địch: mối quan hệ giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật được đồng chí Trường Chinh ví như "một cái nhọt bọc, chứa chất bên trong biết bao nhiêu vi trùng và máu mủ, chỉ chờ dịp chín mõm là vỡ tung ra". Trước tình hình đó, lực lượng Pháp theo phái Đờ Gôn hoạt động ráo riết chờ quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương sẽ nổi lên đánh Nhật, khôi phục lại quyền thống trị của chúng. Quân Nhật biết rất rõ những hoạt động của Pháp nên quyết định hành động trước. Vào hồi 20 giờ 20 phút ngày 9-3-1945, quân đội Nhật nổ súng đồng loạt lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Sau một thời gian ngắn, quân Pháp ở Đông Dương tan rã, sự cấu kết Pháp - Nhật để thống trị Đông Dương chấm dứt. Sở dĩ Nhật muốn đảo chính Pháp là vì: thứ nhất, Pháp - Nhật là hai nước đế quốc ở hai phe khác nhau không thể ăn chung một miếng mồi béo như Đông Dương; thứ hai, ở Trung Quốc, Mỹ sắp đánh vào Đông Dương. Nhật phải hạ Pháp để trừ cái họa bị Pháp đánh sau lưng khi quân Đồng minh đổ bộ; thứ ba, sống chết Nhật phải giữ lấy cái cầu trên đường bộ nối liền các thuộc địa miền Nam Dương với Nhật, vì sau khi Philíppin bị Mỹ chiếm, đường thủy của Nhật cũng bị cắt đứt.

Về phía ta: Chính sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã làm cho nhân dân Việt Nam vô cùng cực khổ. "Cả Đông Dương như một cánh đồng cỏ khô; tàn lửa cách mạng động rơi vào đâu cũng có thể bốc cháy". Hai quân thù phát xít Nhật và thực dân Pháp cầm cự, giữ miếng nhau, hơn nữa lại tiêu hao lực lượng của nhau, làm cho quyền thống trị của chúng ở Đông Dương yếu dần. Bên ngoài, phong trào cách mạng phát triển mạnh, nhân dân ta có nhiều bạn đồng minh cùng chiến đấu và ủng hộ. Trong bài "Hãy tiến gấp" đăng trên báo Cờ Giải phóng, số 6, ngày 28-7-1944, đồng chí kêu gọi: "Các chiến sĩ cách mạng Đông Dương! Các giới đồng bào yêu nước. Thời cuộc trong ngoài hết sức có lợi cho ta. Dịp tốt ngàn năm có một đang lại. Hãy tiến gấp! Hãy kíp sửa soạn khởi nghĩa theo chỉ thị đã ra. Các đồng chí hãy kiên nhẫn và mạnh dạn thuyết phục đồng bào. Hãy thi nhau phát triển tổ chức; thi nhau đẩy mạnh phong trào đấu tranh quần chúng. Vận mệnh các dân tộc Đông Dương đã đặt trong tay chúng ta. Phải hy sinh, phấn đấu. Phải kiên quyết, tích cực. Bỏ lỡ cơ hội là một tội ác. Phải sẵn sàng đón lấy thời cơ và chuẩn bị đủ điều kiện tóm lấy nó". Đồng thời, khi nói đến thời cơ của cách mạng đồng chí Trường Chinh cùng Trung ương Đảng đã xác định: Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.

Trước tình thế nước sôi, lửa bỏng như vậy, đặc biệt là khi nhận được tin báo có dấu hiệu Nhật chuẩn bị đảo chính Pháp, Tổng Bí thư Trường Chinh đã lập tức triệu tập Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tham dự cuộc họp mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng có các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Trân...

Đêm ngày 9-3-1945, khi Hội nghị mới bắt đầu, cuộc đảo chính Pháp của phát xít Nhật đã diễn ra. Đồng chí Trường Chinh tiếp tục chủ trì cuộc họp, đồng thời cử người về Hà Nội nắm thêm tình hình cuộc đảo chính.

Nội dung cuộc họp quan trọng này được thể hiện đầy đủ trong bản Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và hoàn chỉnh.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com