Đồng chí Trường Chinh với giáo dục và đào tạo

05:11, 13/11/2020

Hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), đọc lại những bài viết và những kỷ niệm của đồng chí Trường Chinh với ngành Giáo dục và Đào tạo, chúng ta nhận thức thêm những dấu ấn cho phương diện giáo dục đào tạo của đồng chí, khẳng định di sản tư tưởng - văn hoá với vốn tri thức uyên thâm, tầm nhìn chiến lược của một nhà lý luận, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa lớn.

Đồng chí Trường Chinh thăm Trường cấp I, II xã Xuân Hồng (Xuân Trường) năm 1981. Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Trường Chinh thăm Trường cấp I, II xã Xuân Hồng (Xuân Trường) năm 1981.

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Trường Chinh (1907-1988) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước nổi tiếng học rộng và đỗ đạt, sống phép tắc, kỷ cương. Làng Hành Thiện xã Xuân Hồng (Xuân Trường) quê hương đồng chí cũng nổi tiếng là đất học. Không chỉ hiếu học, Xuân Trường còn là một trong những điển hình của tỉnh Nam Định về truyền thống yêu nước và cách mạng. Tiếp nối những truyền thống cao quý ấy, đồng chí Trường Chinh đã nêu một tấm gương vô cùng trong sáng và mẫu mực về người trí thức cách mạng, con đường học hành mở mang trí tuệ cũng là con đường đến với lý tưởng cách mạng, trọn đời phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Trong cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của đồng chí Trường Chinh có một đóng góp rất lớn, rất sâu đậm cho giáo dục và đào tạo.

Lớn lên từ môi trường văn hóa gia đình khoa cử, sớm tiếp nhận với Tứ thư, Ngũ kinh…, đồng chí được giáo dục bài bản về tri thức văn hóa, lịch sử theo truyền thống dân tộc. Năm 1923, lúc 16 tuổi, anh Đặng Xuân Khu (tên thật của đồng chí Trường Chinh) được lên thành phố Nam Định vào học Trường Thành Chung - tiền thân của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định ngày nay. Một chân trời mới mở ra trước cuộc đời của người thanh niên yêu nước. Với nền tảng giáo dục gia đình có bề dày, qua tìm hiểu “Đường cách mệnh” và các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, tiếp xúc với tư tưởng Mác - Lê-nin, đồng chí sớm nhận ra tính chất nguy hại của chính sách ngu dân do thực dân Pháp áp đặt ở nước ta. Trong tác phẩm “Vấn đề dân cày” (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp) được phổ biến rộng rãi giai đoạn 1936-1939 đồng chí chỉ rõ: “Người ta không muốn cho dân học vì sợ dân giác ngộ, đấu tranh chống những sự bất công… Dân thất học cho nên ít đọc báo, xem sách, quanh năm họ làm ăn vất vả, công việc đồng áng lại hoàn toàn phụ thuộc vào sức tự nhiên, do đó họ càng mê tín dị đoan… Vì không biết chữ, họ phải mượn người viết văn tự, có khi chỉ vì trong văn tự viết sai một chữ mà suốt đời họ phải kéo cày trả nợ cho nhà giàu… Tình hình ấy đòi hỏi một cuộc đấu tranh bền bỉ chống nạn mù chữ, chống đồi phong bại tục, chống mê tín dị đoan”. Cùng với “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925) và “Đường cách mệnh” (1927) của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những vấn đề đặt ra trong “Vấn đề dân cày” đã vạch trần âm mưu thâm độc nô dịch văn hóa của thực dân Pháp, đồng thời thức tỉnh đội ngũ trí thức và quần chúng nhân dân lao động. Để cụ thể hoá quan điểm đường lối lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá, năm 1943, đồng chí được phân công soạn thảo “Đề cương văn hoá Việt Nam” nhằm xác định những nguyên tắc cơ bản và nhiệm vụ lớn của cách mạng văn hoá ở nước ta. Có thể coi “Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943” là cương lĩnh hoàn chỉnh sớm nhất về lĩnh vực văn hoá cách mạng, đồng thời là bản tuyên ngôn chính thức của Đảng ta về văn hóa.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân Pháp dùng để cai trị chúng ta”. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh rất chú trọng đến giáo dục thế hệ trẻ và đội ngũ sinh viên. Thời gian này, đồng chí đã viết hàng loạt bài đăng trên báo “Sự thật” vừa thể hiện rõ quan điểm của Đảng, vừa kêu gọi thức tỉnh sinh viên. Trong “Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên chiến đấu” ngày 12-12-1945, đồng chí đã viết: “Hỡi các bạn sinh viên yêu quý! Tôi tin rằng các bạn đủ trí thông minh mà nhận chân thời cuộc, đủ lòng kiên quyết vượt mọi gian nan thẳng tiến trên con đường cứu nước. Đúng thế! Lúc này nước nhà đang gặp nạn. Sinh viên đi học không để cứu nước thì để làm gì? Sao sinh viên lại có thể nói: Chỉ biết học, không biết cứu nước. Sinh viên yêu nước nhưng không cứu nước có được không? Không thể được. Nước đang bị xâm lược, yêu nước mà không cứu nước là yêu nước ngoài miệng. Sinh viên đứng trung lập có được không? Cũng không. Vận nước đang chênh vênh, trung lập là trốn trách nhiệm, là hèn nhát. Từ trung lập đến phản bội chỉ là một bước thôi”. Đồng chí còn nghiêm túc đặt vấn đề phải loại bỏ tư tưởng sinh viên chỉ biết có sự học, học theo lối mòn của những kẻ ích kỷ, vô cảm trước cuộc sống xã hội.

Nhận thức rõ vai trò to lớn của giáo dục đào tạo, kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đặc biệt quan tâm đến chất lượng giáo dục và vấn đề đào tạo nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Năm học 1961, triển khai Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, ngành Giáo dục phát động phong trào thi đua “Hai tốt” xây dựng nhà trường thành “Tập thể Xã hội chủ nghĩa”, các thầy cô giáo và học sinh thi đua “Dạy thật tốt, Học thật tốt”. Được Hồ Chủ tịch phân công, tại Hội nghị phát động phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành Giáo dục ngày 18-10-1961, đồng chí Trường Chinh thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và có bài nói chuyện quan trọng: “Đẩy mạnh phong trào thi đua hai tốt trong ngành Giáo dục”, trong đó nhấn mạnh vai trò của công tác quản lý giáo dục. Trong quản lý giáo dục, cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề quản lý giáo viên, quản lý chương trình, viết sách giáo khoa.

Hơn 60 năm kể từ khi đồng chí Trường Chinh nói chuyện tại Hội nghị phát động phong trào thi đua “Hai tốt”, các ý kiến của đồng chí nêu ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học và thực tiễn, để lại cho những người đã từng làm giáo dục sự xúc động - khâm phục về những trực cảm thiên tài của đồng chí. Trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những thành tích và sự phát triển mạnh mẽ của ngành Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn có những lúc “nóng lòng” đổi mới, đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề: “Thầy giáo là trung tâm” rồi lại điều chỉnh “Học trò mới là trung tâm” của quá trình dạy; phát động phong trào thi đua “Hai không” (nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục); liên tục đổi mới chương trình sách giáo khoa suốt 20 năm (1991-nay), làm đi làm lại nhiều lần vẫn chưa thật sự tìm ra giải pháp tối ưu; mô hình đào tạo cao đẳng, đại học chuyên nghiệp, dạy nghề vẫn còn có hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Tấm gương đồng chí Trường Chinh trầm ẩn nhiều bài học quý báu về giáo dục đào tạo mang tâm hồn và trí tuệ Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh là hiện thân tấm gương sáng về đạo học trò. Nhà giáo - nhà văn Hoàng Ngọc Phách đã từng dạy học ở Trường Thành Chung Nam Định khi đồng chí Trường Chinh đang là học trò. Theo lời kể của bà Hoàng Thị Thục, con gái cụ Song An - Hoàng Ngọc Phách, đồng chí Trường Chinh luôn biểu hiện quý trọng tình nghĩa với thầy học cũ. Sau bao nhiêu năm hoạt động cách mạng, khi đã ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trường Chinh luôn giữ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ về người thầy học của mình: Hầu như tết năm nào, đồng chí cũng gửi thiếp chúc tết thầy. Khi cụ Hoàng Ngọc Phách về công tác ở Bộ Giáo dục có điều kiện đồng chí mời thầy đến nhà chơi đều tự tay rót nước mời thầy, luôn giữ thái độ ân cần, tôn kính. Có khi thầy đau yếu vào bệnh viện, đồng chí trực tiếp đến thăm thầy. Thái độ trân trọng và tình cảm của đồng chí Trường Chinh đối với người thầy học cũ của mình là bài học cảm động cho mỗi chúng ta hôm nay cần suy nghĩ và học tập.

Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 1987. Ảnh: Tư liệu

Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 1987.

Ảnh: Tư liệu

Trong đời tư, đồng chí Trường Chinh đã sống một cuộc đời thanh bạch, nghiêm cẩn và dạy con cháu theo những chuẩn mực của nền nếp văn hóa vốn có. Theo lời kể của cháu nội đồng chí Trường Chinh - tiến sĩ Đặng Xuân Thanh: “Cuộc sống của một lãnh tụ như ông tôi không cao sang như người ta vẫn hình dung. Tôi vẫn nhớ những bữa đi học về nhà mâm cơm chỉ có củ cải kho dưa với nồi canh xương… Tôi có cảm giác cuộc sống hàng ngày của lãnh tụ và người dân không xa nhau, vì thế niềm tin về lãnh tụ của người dân rất sâu sắc. Nếu cuộc sống lãnh tụ mà xa dân thì niềm tin lại ít đi…”. “Khi các cháu đến tuổi đi học, những câu chuyện của ông thường là về truyền thống văn hóa lịch sử, kể về các nhân vật “ghi danh sử sách” như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Vua Quang Trung...; hay đơn giản chỉ là dẫn các cháu đến những khu di tích, đi xem triển lãm tranh và giáo dục chúng bằng những câu chuyện thực…”. Gia đình ông có một con gái và ba người con trai thì cả ba con trai đều qua quân ngũ… “Trong bóng rợp của cây đại thụ Trường Chinh, con cháu của ông đã không “cớm nắng” mà vươn lên mạnh mẽ và dòng chảy thế hệ của gia đình vẫn tiến về phía trước…”.

Giáo giới dạy văn trong ngành Giáo dục không thể nào quên một kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Trường Chinh với giáo viên văn. Dạo ấy, là năm học 1963-1964, ở tổ văn trường cấp III Chu Văn An Hà Nội, khi giảng bài thơ “Là thi sĩ”, nhiều giáo viên băn khoăn về cách nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ theo hướng dẫn của sách giáo khoa trích giảng Văn học lớp 10. Sách hướng dẫn áp đặt, cho rằng bài thơ nhằm phê phán, đả kích thơ lãng mạn nói chung và trực tiếp phê phán thơ Xuân Diệu và thơ Thế Lữ trước cách mạng. Đồng chí Đàm Gia Cẩm là tổ trưởng bộ môn văn của trường đã thay mặt giáo viên, mạnh dạn viết thư để xin ý kiến trực tiếp đồng chí Trường Chinh (tác giả của bài thơ) về những băn khoăn nói trên. Thật không ngờ bận trăm công ngàn việc, nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn dành thời gian quan tâm đến ý kiến đó. Ít ngày, sau khi lá thư gửi đi, ngày 3-4-1964, đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp viết thư tay gửi đến nhà giáo Đàm Gia Cẩm, tỏ ý chia sẻ với những băn khoăn của giáo viên, và kể rõ hoàn cảnh thực khi sáng tác bài thơ. “Là thi sĩ” là bài thơ đồng chí viết vào năm 1942, theo đề nghị của chị em làm công tác binh vận, để tuyên truyền giác ngộ, cảm hoá anh thư ký nhà binh Pháp, anh này rất thích thơ lãng mạn… Đồng chí gợi ý khi dạy, nên thấy ở bài thơ sự định rõ vai trò và chức năng cao cả của thơ ca, không nên suy diễn máy móc. Nhân dịp đó, đồng chí còn sửa lại một vài từ ngữ của bài thơ mà sách giáo khoa đã in chưa đúng.

Đối với quê hương, trong những lần về thăm và làm việc ở Nam Định, có hai lần đồng chí trực tiếp đến thăm trường học. Tháng 3-1981, nhân dịp về chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 100/CT-TW ở huyện Hải Hậu, đồng chí đã về quê Hành Thiện và đến thăm thầy trò trường phổ thông xã Xuân Hồng, ngôi trường gợi bao kỷ niệm nghĩa tình của người con xa quê. Đến tháng 11-1987, sau khi thăm và làm việc tại Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định, đồng chí đã đến thăm thầy trò Trường chuyên Lê Hồng Phong. Đồng chí bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về mái trường Thành Chung khi đồng chí còn là một thanh niên háo hức biết bao khát vọng học tập phấn đấu tiến bộ để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Trong những lần đến thăm các ngôi trường của quê hương, đồng chí dành nhiều thời gian thăm hỏi tình hình sức khoẻ, điều kiện dạy học của thầy trò và đóng góp cho xã hội của nhà trường. Đồng chí nhắc nhở giáo viên và học sinh cần đẩy mạnh thi đua “Hai tốt” thực hiện lời dạy của Bác Hồ, coi trọng chất lượng dạy học và giáo dục toàn diện, phát huy truyền thống quê hương đất học.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đọc lại những bài viết và những kỷ niệm của đồng chí Trường Chinh với ngành Giáo dục và Đào tạo, chúng ta nhận thức thêm những dấu ấn cho phương diện giáo dục đào tạo của đồng chí, góp phần khẳng định di sản tư tưởng - văn hoá đồng chí Trường Chinh để lại vô cùng phong phú đa dạng và quý báu với vốn tri thức uyên thâm, sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của một nhà lý luận, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa lớn (*)./.

Nguyễn Công Thành
(Chủ tịch Hội VHNT tỉnh)

----------------------

(*). Những tư liệu được nghiên cứu và trích dẫn trong bài, từ nguồn: Tuyển tập Trường Chinh. NXB Sự thật - 1987; “Trường Chinh - Người con của quê hương”. NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 1993, một số bài báo và tạp chí khác.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com