Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu đổi mới (kỳ 6)

06:11, 12/11/2020

PGS.TS. Lê Quốc Lý

(tiếp theo)

Nói về cơ chế quản lý kinh tế, vấn đề đổi mới quản lý kinh tế ở nước ta, đồng chí Trường Chinh cho rằng, đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Nhưng khó nhất vì đây là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình - đấu tranh trong nội bộ Đảng và cơ quan nhà nước. Chúng ta phải đấu tranh với tư tưởng bảo thủ, muốn quay trở lại cơ chế cũ đã quen thuộc, đồng thời phải ngăn ngừa và khắc phục khuynh hướng này vẫn đang tồn tại ở các ngành, các cấp, đặc biệt là trong giai đoạn "giao thời" hiện nay, khi cái cũ chưa bị xóa bỏ, cái mới chưa hình thành rõ nét. Đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: '"Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, cần phân tích một cách sâu sắc những khuyết điểm, sai lầm, trên cơ sở đó mà đề ra chủ trương, biện pháp kiên quyết và thực tế để đưa cách mạng nước ta nhanh chóng vượt qua khó khăn và tiếp tục vững bước tiến lên. Đồng chí khẳng định: "Đối với nước ta, đổi mới càng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nền kinh tế nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại. Chỉ có đổi mới cách nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ, chúng ta mới có khả năng thoát khỏi tình hình khó khăn gay gắt hiện nay". Đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế còn được thể hiện ở chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng với nội dung đổi mới mọi mặt của Đảng, trong đó đặc biệt quan trọng là đổi mới cơ chế kinh tế: chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước và hôm nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Trường Chinh thăm Trại hè Cháu ngoan Bác Hồ ở Hà Nội, tháng 6-1986.
Đồng chí Trường Chinh thăm Trại hè Cháu ngoan Bác Hồ ở Hà Nội, tháng 6-1986.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được tiến hành tại Hà Nội từ ngày 5-12-1986, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa V trình Đại hội lần thứ VI của Đảng. Với sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh, Đại hội đã thành công tốt đẹp với một tinh thần đổi mới, mở đầu cho một trang sử mới của Đảng, của đất nước và nhân dân ta.

Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu đổi mới là vô cùng to lớn. Có thể tóm lược một số điểm chính như sau:

Cảm nhận được cái đói, cái khổ của người dân, cái nghèo của đất nước, đồng chí Trường Chinh đã thắp ngọn đuốc sáng định hướng, dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta đến thắng lợi.

Chỉ ra một cách tiếp cận, một cách nhìn nhận, tư duy và hành động mới. Đó là kiên định, kiên trung với Đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin thì cần phải đổi mới và đổi mới quyết liệt. Đổi mới để kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin hơn. Đổi mới chính là vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo trong thực tiễn Việt Nam.

Trước muôn vàn khó khăn của đất nước và trong tình trạng nhiều người có tư duy bảo thủ, lạc hậu, thói quan liêu, xa rời dân, né tránh sự thật, đồng chí Trường Chinh đã đột phá tư duy, tự đổi mới mình và đổi mới Đảng để đưa đất nước đi lên;

Tinh thần tự phê và phê bình, nhìn thẳng vào sự thật trước những sai lầm, khuyết điếm, yếu kém của Đảng, của bản thân và mạnh dạn đổi mới vì Đảng, vì đất nước và vì dân tộc.

Tổng kết thực tiễn là cơ sở để làm phong phú lý luận và làm nền tảng cho đổi mới lý luận một cách sáng tạo. Lý luận chỉ có sức sống khi được tổng kết từ thực tiễn sinh động và mang hơi thở của cuộc sống. Xa rời thực tiễn, lý luận sẽ không có sức sống.

Tinh thần đổi mới trong lĩnh vực kinh tế mà đồng chí Trường Chinh đã có đóng góp to lớn vẫn còn mãi đến ngày hôm nay và mai sau. Đó là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế,... Đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho nền kinh tế nước ta trở thành nền kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ, huy động được mọi nguồn lực cho phát triển, khơi dậy được mọi sức sáng tạo của người dân để nước ta trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong thực tế./.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com