Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu đổi mới (kỳ 4)

06:10, 08/10/2020

PGS.TS. Lê Quốc Lý

(tiếp theo)

Công lao của đồng chí Trường Chinh là có biện pháp chỉ đạo và chấn chỉnh những sai lầm một cách kịp thời bảo đảm cho đường lối đổi mới kinh tế trong những ngày đầu được thực hiện thành công, cụ thể là: "về tư tưởng chiến lược, phải triệt để xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; song về sách lược, trong mỗi bước đi, cần có tính toán, cân nhắc cẩn thận", trên cơ sở thẳng thắn chỉ ra sai lầm chủ quan trong chỉ đạo điều hành: "nhảy từ cực nọ sang cực kia: trước kia, từ định giá rất thấp, tạo ra chênh lệch giá rất lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm phát sinh nhiều tiêu cực; nay lại sửa bằng cách ngay một lúc tăng giá lên rất nhiều lần, đội giá thị trường trong khi hầu như chưa đi được bước nào chống tập trung quan liêu trong sản xuất và quản lý. Kết quả là, ta đã đem hết tất cả những định mức và chi phí bất hợp lý lâu nay nhân với giá mới và tiền lương mới, nên giá thành vống lên rất cao, không mua được cũng không bán được, gây đình đốn sản xuất, bế tắc lưu thông, tiền vừa đổi đã mất giá ngay, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước".

Đồng chí Trường Chinh thăm tỉnh Đắc Lắc, tháng 4-1983.
Đồng chí Trường Chinh thăm tỉnh Đắc Lắc, tháng 4-1983.

Một đóng góp quan trọng của đồng chí Trường Chinh trên lĩnh vực kinh tế trong những ngày đầu đổi mới có thể kể đến là việc khẳng định cần phải "ra sức phát triển sản xuất hàng hóa, cả trong nông nghiệp cũng như trong công nghiệp; hệ thống lưu thông phải được tổ chức thích ứng với nền sản xuất hàng hóa đó". Điểm mới và đóng góp này vô cùng quan trọng được thể hiện ở chỗ nó làm tiền đề cho sự hình thành tư duy, nhận thức phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý Nhà nước và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là những luận điểm vận dụng, đổi mới và phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện Việt Nam. Đây là những tiền đề, luận điểm, nội dung chưa có trong các trước tác, kinh điển của Mác - Lênin.

Một đóng góp của đồng chí Trường Chinh nữa có thể kể đến là đồng chí là người đầu tiên đưa "quan điểm về kiện toàn bộ máy nhà nước, việc tách chức năng quản lý hành chính ra khỏi chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh và cho rằng phải làm rõ khái niệm, nội dung, giới hạn của quản lý hành chính để bảo đảm cho Nhà nước giữ vững được quyền điều hành, kiểm soát hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, bảo đảm luật pháp được thi hành nghiêm minh, định ra chiến lược phát triển ở từng địa phương, từng ngành và trong cả nước... Chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh giao cho cơ sở, xí nghiệp, liên hiệp xí nghiệp, các công ty, tổng công ty kinh doanh. Thực hiện chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh, các đơn vị kinh tế phải nghiêm chỉnh thi hành pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt kế hoạch thông qua hợp đồng kinh tế; tìm mọi cách khắc phục khó khăn, bảo đảm làm ăn có lãi, góp phần tích lũy cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước" tiền đề cho cải cách hành chính ngày hôm nay.

Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và mới hết sức phức tạp. Ngay cả khi nghị quyết Trung ương và nghị quyết Bộ Chính trị đã được ban hành, nhưng các quan điểm khác nhau vẫn dai dẳng tồn tại và khi quan điểm chưa nhất trí thì hành động không thống nhất. Đồng chí Trường Chinh đã thẳng thắn phê bình tại Hội nghị Trung ương (khóa V) "sai cả về nhận thức, bước đi, cách làm, sai cả về nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, coi ý kiến của một số đồng chí cao hơn ý kiến của hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương".

Trong quá trình thực hiện, thực tế tình hình kinh tế đã diễn ra khá phức tạp nên ngày 24-2-1986, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết 31 về những biện pháp cấp bách nhằm thực hiện đúng đắn Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, đã phân tích những khuyết điểm dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, cũng như chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ở Trung ương, đồng thời các ngành và các địa phương cũng có phần trách nhiệm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, các cấp, các ngành phải nghiêm khắc tự phê bình, nhận rõ trách nhiệm của mình, kiểm điểm rút kinh nghiệm để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, ra sức thực hiện tốt hơn nữa các Nghị quyết sáu, bảy, tám và chín của Trung ương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh đã tự phê bình trước Bộ Chính trị và cho rằng, chúng ta không sợ sai lầm, mắc sai lầm thì kiên quyết sửa chữa. Cái đáng sợ hơn là không thấy khuyết điểm, sai lầm, do đó sẽ không sửa được. Đồng chí cho rằng, riêng về Bộ Chính trị, trong đó có đồng chí, đã "thông qua một số quyết định sai, đã bố trí cán bộ mà không kịp thời sửa, đã không thẳng thắn nói hết được ý kiến để cùng nhau thảo luận nhất trí, đã không kiên trì cái đúng, phân tích đầy đủ cái sai... thì đó là khuyết điểm của Bộ Chính trị". Đóng góp của đồng chí Trường Chinh là sự dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và là tấm gương sáng về sự tự phê bình chân thành, khẩn thiết trước các khuyết điểm của mình và của Đảng.

Đóng góp của đồng chí Trường Chinh về phát triển kinh tế được thể hiện ở chỗ: Những quan điểm đổi mới tư duy kinh tế, chính trị của đồng chí Trường Chinh phần lớn được đưa vào nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết này như một luồng gió mới thổi vào các đơn vị kinh tế cơ sở của cả nước, tiếp thêm sức mạnh, tạo ra niềm tin và triển vọng phát triển mới.

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com