Văn Tạo
Tôi biết ơn đồng chí Trường Chinh - một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã cùng các đồng chí Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh chủ trương lập ra Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học năm 1953 (gọi tắt là Ban Sử Địa Văn). Sự nghiệp khoa học của tôi gắn liền với sự ra đời và phát triển của Ban Sử Địa Văn từ năm 1953 đến nay (Nay là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, trong đó có Viện Sử học mà tôi đã từng là Viện trưởng từ năm 1980 đến năm 1989).
Nay được hân hạnh mời viết hồi ký về đồng chí Trường Chinh, tôi chân thành cám ơn Ban tổ chức viết hồi ký này và tự xác định cho mình là phải vì nhiệm vụ xây dựng Đảng, vì lợi ích của cách mạng... mà viết một cách trung thực.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình bà Trần Thị Hồng và bà Lê Thị Cúc, cơ sở cách mạng ở Đông Xuân, Kim Anh, Vĩnh Phú. |
Trước hết, với tư cách là người nghiên cứu và biên soạn Lịch sử hiện đại Việt Nam gần 50 năm nay, tôi xin phép được trình bày một quan điểm lịch sử của tôi là:
Trong những học trò xuất sắc của Bác Hồ thì đồng chí Trường Chinh là một trong những người có cống hiến lớn lao nhất vào lịch sử hiện đại nước nhà.
Trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trường Chinh là người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa I), tháng 5-1941, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản. Hội nghị đã cho ra đời Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám với Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh đầy sáng tạo, quyết định hướng đi đúng đắn của cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám.
Tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng họp từ ngày 9 đến 12, cho ra đời Chỉ thị lịch sử: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta chỉ đạo kịp thời cao trào Tiền khởi nghĩa với chủ trương đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa.
Đến kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trường Chinh là người góp phần chỉ đạo thực hiện thành công đường lối "Trường kỳ kháng chiến" của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí đã chỉ đường cho toàn Đảng, toàn dân ta vững tin đi theo Đảng, kiên trì tiến hành cuộc kháng chiến ngay từ khi lực lượng ta trước kẻ thù còn như "châu chấu đá voi".
Đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Trường Chinh, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã có đóng góp to lớn vào thắng lợi dựng nước và giữ nước.
Trong xây dựng đất nước thì nổi bật nhất là đóng góp của đồng chí vào sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta, khắc phục được cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1978 - 1985, đưa đất nước ta tiếp tục tiến lên.
Ngày 22-6-2001, trong cuộc nói chuyện với thanh niên làm công nghệ thông tin thuộc công ty FPT, một thanh niên đã thông minh hỏi tôi:
"Giáo sư viết trong công trình Sử học và hiện thực tập II - 10 cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử Việt Nam" có nói đến yếu tố đầu tiên của thành công là ở tài năng và sự đóng góp của người chủ trì cuộc cải cách, đổi mới đó. Vậy người chủ trì đó trong cuộc đổi mới của chúng ta ngày nay là ai?".
Tôi trả lời ngay: "Công đầu là thuộc về đồng chí Trường Chinh – người tiếp thu được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy được truyền thống ông cha, lãnh đạo đưa ra được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đầy sáng tạo và có tính khả thi. Còn công lao thực hiện Nghị quyết trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa VI - nhiệm kỳ "Vạn sự khởi đầu nan" này (1986 - 1991), là thuộc về đồng chí Nguyễn Văn Linh". Như tôi đã viết: "Đồng chí Nguyễn Văn Linh - nhà thực hiện đổi mới thành công" nhân ngày tang lễ của đồng chí (Nhân dân, số 13, tháng 5-1998). Tất cả đều tán thành.
Ngoài những cống hiến lớn lao kể trên thì công lao của đồng chí Trường Chinh trong lãnh đạo phát triển văn hóa, khoa học cũng rất xuất sắc.
Điều tôi được trực tiếp biết tới là việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học ngày 2-12-1953, mà dưới đây tôi xin tường thuật dưới dạng Hồi ký cá nhân...
(còn nữa)