Trường Chinh - Nhà văn hóa lớn của Việt Nam (kỳ 2)

06:11, 21/11/2019

Thành Duy

(tiếp theo)

Tiếp theo sự kiện ra đời bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 với ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng, vừa rất súc tích, cô đọng, vừa nêu được những nguyên tắc chung nhất, đúng đắn nhất nhằm chỉ đạo chẳng những toàn bộ các lĩnh vực văn hóa mà cả sự nghiệp cách mạng nước ta, Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ I được triệu tập ở Hà Nội vào tháng 11-1946, giữa lúc đất nước đang trong tình trạng nước sôi lửa bỏng, kẻ thù xâm lược muốn chiếm lại nước ta một lần nữa. Điều đó nói lên rằng, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặt vị trí của văn hóa quan trọng như thế nào trước sự tồn vong của đất nước. Tại Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ I này, Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn khai mạc. Người nêu bật nhiệm vụ của nền văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng nước ta.

Đồng chí Trường Chinh tại Đại hội IV Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 20-10-1980.
Đồng chí Trường Chinh tại Đại hội IV Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 20-10-1980.

Người nói: "Chúng ta cần biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc", "số phận dân ta ở trong tay ta, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Phải "đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ". Đó là những ý kiến rất quý báu đặt nền tảng cho sự nghiệp văn hóa ở nước ta phát triển, tạo nên động lực thực sự cho cách mạng, cho việc đào tạo con người mới và xây dựng cuộc sống mới ở nước ta ngày càng nhanh hơn và vững mạnh hơn.

Tháng 7-1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt thì Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ II được triệu tập. Ở Đại hội này, Trường Chinh đã đọc một bản báo cáo hết sức quan trọng với nhan đề Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam nhằm đề cập sâu hơn và cụ thể hơn những quan điểm của Đảng ta về văn hóa mà trong Đề cương Văn hóa Việt Nam chưa có điều kiện trình bày cụ thể. Có thể nói bản Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Trường Chinh là một công trình phát triển nền văn hóa mới ở Việt Nam. Những ý kiến của Trường Chinh nêu trong bản báo cáo nổi tiếng về mối quan hệ giữa văn hóa và xã hội, về lập trường văn hóa mácxít, về ưu điểm và nhược điểm của văn hóa Việt Nam xưa và nay, về tính chất và nhiệm vụ của văn hóa dân chủ mới Việt Nam, về mặt trận văn hóa thống nhất trong Mặt trận dân tộc thống nhất... và cả những vấn đề cụ thể trong văn học nghệ thuật nước ta vẫn giữ nguyên giá trị của nó, đã và đang soi sáng cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa mới Việt Nam. Với tầm hiểu biết rộng, bao quát được những kiến thức của văn hóa cổ kim, Đông Tây, lại được sự chỉ đạo sáng suốt của Hồ Chí Minh và Đảng ta, Trường Chinh không chỉ nêu lên những quan niệm mới về khái niệm văn hóa mà bằng lối hành văn trong sáng, dễ hiểu, đã trình bày những quan điểm định hướng của nền văn hóa mới. Nêu Đề cương Văn hóa Việt Nam chỉ nêu vắn tắt và khái quát ba nguyên tắc cơ bản của văn hóa Việt Nam là dân tộc, khoa học, đại chúng, thì ở Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Trường Chinh đã nghiên cứu và trình bày sâu sắc hơn những quy luật phát triển của văn hóa nói chung trước khi nói đến tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt Nam và mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa tiến bộ trên thế giới. Điều cần chú ý ở đây là, Trường Chinh đã thể hiện một cách sáng tạo những quan điểm văn hóa mácxít để nói lên hệ thống quan điểm mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Ngày nay, cả thế giới đều thấy vị trí quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế và xã hội. Nếu mọi người gặp nhau ở quan niệm văn hóa gắn với phát triển, thì không phải ai cũng có quan điểm đúng đắn về định hướng phát triển văn hóa. Trong thực tế của thế giới hiện nay, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Các nước tư bản phát triển ở phương Tây có quan niệm riêng của họ về phát triển văn hóa, lấy văn hóa Cơ đốc giáo làm cơ sở. Các nước ở phương Đông cũng có những quan điểm khác với phương Tây. Trong khi đó những người theo Đạo Hồi đang có ý đồ củng cố vị trí nền văn hóa Đạo Hồi. Cho nên có thể nói, trong các cuộc chiến giữa các sắc tộc cũng như các giáo phái cũng có cả sự tham gia của văn hóa. Điều đó càng chứng minh rằng không có một thứ văn hóa nào gắn với phát triển theo quan niệm "lý tưởng thuần túy". Và trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Trường Chinh cũng đã trình bày khá thuyết phục về quan niệm văn hóa gắn với khuynh hướng phát triển đó. Ông nói: "Trong xã hội, nhất là trong xã hội phân chia giai cấp, không thể có văn hóa (và đặc biệt là văn học nghệ thuật) không khuynh hướng". Cho nên, không thể nói văn hóa hoàn toàn trung lập, tự do tuyệt đối, đứng trên chính trị, giữ thái độ bàng quan. Nhắc lại ý kiến của Ăngghen về tự do và tất yếu: "Tự do cùng tất yếu phải là một sản phẩm của lịch sử tiến hóa", Trường Chinh nói rõ hơn: "Người có tự do là người hiểu rõ quy luật tất yếu, khách quan của tự nhiên, của xã hội và hoạt động trong phạm vi hiểu biết những quy luật đó".

Sau khi Đảng ta đề xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, việc nhận thức lại việc vận dụng các quy luật phát triển chủ nghĩa xã hội ở nước ta được đặt ra. Nhắc lại những quan điểm đúng đắn trên của Trường Chinh không phải không có tính thời sự, mà trái lại hơn bao giờ hết lúc này cần có quan niệm đúng hướng về văn hóa trong phát triển và cả phát triển văn hóa theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com