Trường Chinh - Nhà văn hóa lớn của Việt Nam (kỳ 3)

06:11, 28/11/2019

Thành Duy

(tiếp theo)

Trong những quan điểm cần chú ý đó, có một vấn đề mà Trường Chinh đặt ra từ phần đầu của công trình Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đó là mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế. Có lúc người ta nghĩ rằng, kinh tế quyết định văn hóa, còn văn hóa chỉ là sự thăng hoa của phát triển kinh tế như cha ông ta thường nói "phú quý sinh lễ nghĩa'' . Cho đến những năm gần đây, nghĩa là khi cả thế giới đã nhận thức lại quan niệm về vị trí của văn hóa trong phát triển kinh tế và xã hội, ở nước ta không phải không có người còn có những ý nghĩ không đúng nói trên. Chính điều đó đã có ảnh hưởng đến việc hoạch định các chính sách văn hóa, coi văn hóa như "gánh nặng" của kinh tế. Trong phần nói về văn hóa và xã hội, Trường Chinh đã giải đáp vấn đề này khá rõ. Ông đã phê phán những quan niệm không đúng khi nói kinh tế quyết định văn hóa. Với tư duy biện chứng, ông nói rõ các khía cạnh trong mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, sau đó kết luận: "kinh tế, chính trị quyết định văn hóa, rồi sau văn hóa tác động lại kinh tế và chính trị, nhiều khi với một sức mạnh phi thường".

Đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị chỉ đạo biên soạn bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, ngày 20-4-1978.
Đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị chỉ đạo biên soạn bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, ngày 20-4-1978.

Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam ra đời từ năm 1948, giữa lúc cả nước đang đặt nhiệm vụ số một là chiến thắng kẻ thù, việc phát triển kinh tế đương nhiên vẫn phải đặt ra nhưng không phải như ngày nay khi cả nước đang tập trung vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Thế nhưng trong công trình của mình. Trường Chinh đã đặt ở vị trí hàng đầu khi nói đến mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị, để khẳng định vị trí, động lực của văn hóa trong phát triển kinh tế và chính trị. Thiết tưởng ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, khi kinh tế đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, việc tăng trưởng kinh tế để khỏi tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, thì việc nhận thức đúng mối quan hệ giữa kinh tế, chính trị và văn hóa như quan điểm của Trường Chinh là rất cần thiết và có ý nghĩa thời sự rõ ràng.

Từ một quan niệm đúng đắn về vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển đến việc xác định mối quan hệ giữa kinh tế, chính trị và văn hóa, Trường Chinh đã nêu rõ tư tưởng chủ đạo trong việc định hướng nền văn hóa mới ở Việt Nam. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin mà ở Việt Nam là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân và đội tiên phong của giai cấp đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí nói: "Muốn phục vụ quyền lợi dân tộc một cách đầy đủ nhất, trung thành nhất, các chiến sĩ văn hóa Việt Nam nên mạnh dạn đứng dưới lá cờ của đội quân tiên phong đó, hoặc chí ít cũng là bạn gần gũi của đội quân tiên phong đó"; đồng thời còn khẳng định: "Học thuyết Mác là một khoa học. Nó giúp cho các chiến sĩ văn hóa hiểu biết được những quy luật khách quan cai quản vũ trụ và xã hội, thấu suốt được lẽ tiến hóa của vũ trụ và xã hội. Nó giúp cho người ta một phương pháp vô cùng mầu nhiệm để tìm tòi và hiểu biết sự vật và con người". Để khái quát tất cả những điều trình bày trong phần nói về lập trường văn hóa mácxít, Trường Chinh đã kết luận như sau:

"Lập trường văn hóa cách mạng nhất trên thế giới và trong nước ta hiện nay là:

Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc.

Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc.

Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc.

Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc".

Những kết luận trên về lập trường văn hóa mácxít của Trường Chinh từ năm 1948 đến nay vẫn là cơ sở lý luận và tư tưởng của nền văn hóa mới. Tất nhiên, do thực tiễn cách mạng nước ta đã có những biến đổi và cả tình hình thế giới cũng có nhiều thay đổi, cho nên những kết luận có tính định hướng nội dung nền văn hóa mới ở Việt Nam cũng được cụ thể hóa thêm và nhất là bổ sung nhiều điều mới. Sự bổ sung quan trọng nhất mà Đại hội VII của Đảng đã nêu là: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Riêng điểm nói về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc, tuy có ý kiến khác nhau ở chỗ văn nghệ sĩ không nhất thiết bị ràng buộc vào một phương pháp sáng tác duy nhất, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ý kiến nào nói một cách thuyết phục rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không phải là gốc.

Trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Trường Chinh còn đề cập rất nhiều vấn đề như đánh giá những thành tựu; nói rõ những mặt còn hạn chế của văn hóa xưa và nay ở ta; mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc với nền văn hóa tiến bộ của thế giới, nhất là phần nói về tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt Nam. Thực chất những vấn đề nêu trên đều nhằm cụ thể hóa thêm ba nguyên tắc cơ bản của nền văn hóa mới Việt Nam mà bản Đề cương Văn hoá Việt Nam đã nêu. Đó là nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Cho đến nay cả ba nguyên tắc cơ bản nói trên đều là những vấn đề cốt lõi của nền văn hóa mới Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh không chỉ là nhà lý luận, nhà tư tưởng của Đảng và dân tộc ta, mà còn là một nhà thơ đã có những bài thơ nổi tiếng dưới bút danh Sóng Hồng, là nhà báo rất sắc sảo trên mặt trận đấu tranh tư tưởng và phê bình văn học, nghệ thuật. Hơn thế nữa, Trường Chinh còn là một nhân cách văn hóa lớn đã sống và chiến đấu vì nước vì dân, nêu cao phẩm chất cách mạng và có lối sống giản dị, trong sáng, thật xứng đáng là một học trò gần gũi, một đồng chí thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tất cả những điều nói trên, tuy chưa thể đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của Trường Chinh, song chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng Trường Chinh là nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com