Nguyễn Xuân Sanh
(tiếp theo)
Những trang cuối tập sách là những kết luận đầy cảm xúc của đồng chí Trường Chinh, một nhà văn hóa tiên phong và một nhà tư tưởng, được hun đúc và kết tinh bởi truyền thống cách mạng cao đẹp của dân tộc:
"Chúng ta đang sống những ngày vĩ đại. Thử thách nặng nề đang diễn ra. Bao nhiêu giá trị cũ bị đem ra khảo sát lại hết. Song nhiều giá trị mới đang nảy nở.
Lẽ nào hoàn cảnh này lại không rèn đúc nên những thiên tài với những tác phẩm có giá trị mới?".
Hai trang kết luận những vấn đề văn hóa lớn, còn chuyển thành một ngọn lửa thiêng trong những dòng gần cuối của cuốn sách:
"Văn hóa Việt Nam lúc này phải là hình ảnh sinh động của dân tộc ta đang kháng chiến và kiến quốc; phá hoại và xây dựng là muôn vàn tia lửa đốt cháy quân địch và chiếu rọi ánh sáng ra nước ngoài".
Đồng chí Trường Chinh tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm miền Bắc. |
Tôi lại nhớ đến tập thơ mà nhà thơ Sóng Hồng kính yêu đã tặng tôi với lời đề tặng không dài nhưng rất gần gũi, ngày 7-10-1966. Trong Lời mở đầu, tác giả đã tâm sự:
"Thơ và cách mạng không thể tách rời. Đương nhiên không phải thơ nào cũng có cách mạng cả, nhưng có cách mạng thì có thơ. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta chẳng phải là một thiên anh hùng ca của thời đại đó sao? Cuộc đời hoạt động cách mạng của cán bộ và đảng viên ta có nhiều việc rất nên thơ...".
"Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng của nhà thơ, mà nhiều khi thông qua tình cảm đó nói lên niềm hy vọng của cả một dân tộc, những ước mơ của nhân dân, vẽ nên những nhịp đập của trái tim quần chúng và xu thế chung của lịch sử loài người".
Đồng chí Sóng Hồng - Trường Chinh đã thổ lộ khiêm nhường rằng đồng chí làm thơ "cốt để phục vụ tuyên truyền cách mạng hoặc để ghi lại những tình cảm sâu sắc của đời mình". Sự khiêm nhường ấy đáng kính trọng biết bao khi ta nhận rõ suốt cả cuộc đời, đồng chí đã hiến dâng cho sự nghiệp lớn lao của Tổ quốc, của nhân dân.
Nhưng những luận chứng này của đồng chí cũng là của một nhà thơ cách mạng, của một nhà văn hóa, một nhà tư tưởng cao minh:
"Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lý trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời nói trong sáng, vang lên nhạc điệu khác thường".
Đồng chí Trường Chinh cũng là một người yêu thơ vô cùng sâu sắc:
"Thơ là một viên ngọc kim cương long lanh dưới ánh sáng mặt trời... Thơ có khả năng bao quát không gian và thời gian mà nhiều nghệ thuật khác không có... Cho nên, hơn các nghệ thuật khác, thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng. Do đó, trách nhiệm của nhà thơ rất lớn...".
Đồng chí cũng luôn dành cho các nhà thơ sự ưu ái, chân thành. Trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, về nhóm Xuân Thu nhã tập, trong đó có một bài thơ và tiểu luận của tôi, đồng chí Trường Chinh đã có một khía cạnh đồng tình và một khía cạnh chê trách. Đồng chí viết trong phần : Văn hóa Việt Nam xưa và nay: "Nhóm Xuân Thu nhã tập có khuynh hướng dân tộc, nhưng xa quần chúng ở chỗ cầu kỳ, tắc tị...". Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã có hai lần thân mật nói với tôi: Gửi đồng chí các bài thơ tôi làm sau Cách mạng Tháng Tám để đồng chí xem cho biết những thay đổi mới của tôi. Mùa Thu năm 1949, tôi ra hoạt động hẳn ở Việt Bắc, tôi băng rừng lim, trẩu, vô cùng sung sướng đến thăm đồng chí, chuyển một số bài thơ để đồng chí xem và đề nghị đồng chí cho ý kiến thân tình. Ngày 13-12-1949, đồng chí viết cho tôi một bức thư. Tôi hết sức cảm động vì giữa cuộc kháng chiến, công việc bộn bề mà đồng chí vẫn đọc kỹ sáng tác của tôi và cho nhận xét. Với lời lẽ nhắc nhở dặn dò, vô cùng ấm cúng, mà tôi còn giữ mãi cho đến ngày nay:
"Tôi đã đọc thơ anh, đôi chỗ thấy hay như:
(Ghi mười câu trích trong Làng Nghẹt trong rừng đêm và trong Ghi câu chuyện nhỏ).
"Nhạc thơ đẹp, hình ảnh xinh, hiểu được. Nhưng tiếc thay, ý thơ hơi yếu... Lời thơ (một số bài) bàng bạc như nấp sau màn sương...".
Từ những ngày xưa cũ đó, anh Thận (một bí danh của đồng chí Trường Chinh ngày đó) đã viết thư trao đổi về thơ đầy tình cảm với tôi như sau:
"Thơ là phản ánh của thời đại, là tờ báo của cuộc sống đang lên.
Vì thế, người thi sĩ phải sống đầy đủ cuộc sống của thời đại, phải nói lên lẽ sống, lẽ chết của con người thời đại, làm viên phát ngôn nhân trung thành cho những nỗi vui buồn, thương ghét của quảng đại quần chúng.
Không thế, thơ sẽ bay lên mây, cầu thông cảm giữa thi sĩ và quần chúng bị chặt gẫy, thơ sẽ chết một cách tội nghiệp.
Đi sát quần chúng, tìm hiểu quần chúng, học hỏi cách nói của quần chúng...".
Sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của nhân dân ta ngay từ những ngày đầu với những chỉ dẫn cụ thể, sát sao của đồng chí Trường Chinh đã dẫn dắt chúng ta trên bước đường sáng tác, làm cho văn hóa giữ được truyền thống của dân tộc và tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Với hành trang đã có, đội ngũ văn nghệ sĩ chúng ta vững tin bước vào thế kỷ XXI.