Nguyễn Xuân Sanh
(tiếp theo)
Chúng ta đi với cách mạng, lấy cách mạng làm lý tưởng của đời mình và làm lý tưởng của văn học, của văn hóa, thì chúng ta thấy khoa học hóa không còn là điều làm ta ngần ngại. Trước mắt ta đang còn nhiều bài toán mới của cuộc đời cần phải giải đáp. Vấn đề của xã hội, của tâm tư, tình cảm đặt ra nhiều cái mới với nhiều khía cạnh và nảy sinh phong phú. Cái sáng tạo và tái tạo hiện thực của chúng ta còn nhiều. Song, là những người chân thành gắn bó với việc đi tìm các chân lý của người đời, của văn hóa, của văn học nghệ thuật, khoa học, trong những sáng tạo, khai phá, phát minh, chúng ta chống lại mọi cái gì làm cho văn hóa trái khoa học và phản tiến bộ. Có như vậy, chúng ta mới khiêm tốn làm được chiếc cầu đưa người đối thoại với ta đến với chân lý. Thơ văn đôi khi dồi dào ẩn dụ, tài ba và sáng tạo, nhưng đi sâu vào bản chất của nó thì nó cũng là một mảng nhỏ của sự thật kỳ diệu trong bao la của trời đất và của đời sống mà thôi.
Đồng chí Trường Chinh tại Lễ kỷ niệm lần thứ 30 báo Nhân Dân ra số đầu tiên, ngày 11-3-1981. |
Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng soi rọi con đường sáng tác của văn nghệ sĩ mà đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh là người chấp bút với những chỉ dẫn quý giá mà từng bước trong suốt đời mình, chúng ta mới hiểu rõ dần, kể cả ý nghĩa và những tác động lớn lao của nó.
Trước khi kết thúc bản Đề cương Văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh có nêu quan niệm của Đảng ta về vấn đề cách mạng văn hóa: "Phải hoàn thành được cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cách mạng xã hội". Hai mặt xây dựng con người mới và xã hội mới luôn luôn gắn chặt khăng khít với nhau. Một hướng đi nhất định đã được đề ra: "Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo". Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra lúc bấy giờ chỉ là để dọn đường cho một cuộc cách mạng triệt để mai sau. Do đó, chúng ta thấy tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của đồng chí Trường Chinh hoàn thành trong hai năm đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến của đất nước ta và Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí dự thảo có một quan hệ hữu cơ với nhau.
Từ khi biết có tác phẩm đang khởi thảo của đồng chí Trường Chinh, công trình to lớn ấy của cây bút sắc bén và uyên bác của đồng chí (mà chúng tôi hay thân kính gọi là anh Nhân thời chúng tôi hoạt động phong trào sinh viên yêu nước trước đó và anh Thận thời kháng chiến sau này) đã khởi động trong lòng chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Nó thúc giục nảy nở trong chúng tôi nhiều ý nghĩ về sự trưởng thành của nền văn hóa dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng.
Mùa Xuân năm 1948, đồng chí Trường Chinh vào Liên khu IV làm việc với đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Liên khu ủy. Một buổi sáng đồng chí bố trí gặp tôi để trao đổi ý kiến về lực lượng sinh viên Trung, Nam, Bắc trong kháng chiến. Tôi là ủy viên thường vụ của Tổng Hội sinh viên Việt Nam từ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, đã từng là chủ bút của hai tờ báo sinh viên trong phong trào sinh viên yêu nước Tự Trị và Gió Mới, nên đồng chí muốn tôi và một số bạn khác trong đó có Thép Mới, Phan Kế An... tiếp làm luôn tờ báo thứ ba của sinh viên kháng chiến. Chính trong dịp được gặp mặt này với tư cách là ủy viên Thường vụ Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên khu IV, tôi ngỏ ý mời đồng chí đến nói chuyện tại Làng Văn nghệ Quần Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa, về cuốn Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam lúc đó đang còn là bản thảo.
Một buổi chiều Xuân, đồng chí đã đi đến gặp các văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào và từ Huế ra khá đông, cũng như với bốn chục anh em khóa hai văn hóa - văn nghệ Liên khu IV. Cùng đi với đồng chí từ Việt Bắc vào có anh Phạm Văn Khoa, một nhà văn hóa lúc bấy giờ và sau này là nhà đạo diễn điện ảnh có tiếng.
Trong dáng bề ngoài nhân hậu và thái độ thân tình, mở đầu, đồng chí Trường Chinh nói: Tôi rất mừng gặp ở đây nhiều vị văn nghệ sĩ có tiếng trong cả nước, và cũng được tiếp xúc với lực lượng văn học nghệ thuật trẻ, rất trẻ, mà các khóa học ở đây mở ra từ năm ngoái đến nay để đào tạo người cho văn hóa, văn học nghệ thuật kháng chiến và cho mai sau. Bất kỳ ở lứa tuổi nào, chúng ta đều là những người làm văn hóa, làm công tác tư tưởng cho cách mạng và cho đất nước.
Niềm vui trong mọi tấm lòng và mọi cặp mắt tại câu lạc bộ kín đáo này của văn nghệ Liên khu IV là mối giao cảm có giá trị văn hiến với những người từ cao tuổi nhất như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh đến những người ít tuổi nhất còn là các học viên khóa văn nghệ như Nguyễn Mạnh Cầm, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Thị Thu Nhạn... Anh chị em vui mừng vì thấy như có một luồng gió tươi sáng mới, thổi trên đường đi nước bước của tuổi trẻ và tuổi trung niên, được kêu gọi nắm chặt tay nhau đi với nghệ thuật, văn chương, đi với cách mạng và kháng chiến giải phóng dân tộc.
Khi tham luận Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam được in thành sách, đồng chí gửi tặng chúng tôi tác phẩm của mình. Trang mở đầu đồng chí viết: Thưa các đồng chí và các bạn! Súng đang rền nổ ngoài mặt trận. Ngọn lúa xanh đã nhuốm cánh đồng. Tiếng sắt rít, tiếng động cơ các xưởng máy đang hòa nhịp với tiếng lọc cọc của các xe thồ và tiếng đòn gánh kẽo kẹt trên vai các đoàn tiếp tế, vận tải. Mấy cái đầu khoa học đang chụm lại trong các phòng thí nghiệm của quân giới hoặc bên bàn mổ ở các bệnh viện. Giọng đánh vần vang lên trong các xóm làng hẻo lánh. Đài phát thanh ngày ngày đưa tin tức Việt Nam kháng chiến ra thế giới sau điệu nhạc "Diệt phát xít", "Tiến quân ca"...
(còn nữa)