Trường Chinh - Ánh sáng và niềm tin (kỳ 1)

06:12, 05/12/2019

Nguyễn Xuân Sanh

Đối với văn nghệ sĩ, trí thức và sinh viên, gần như mọi tâm hồn đều ở trong một tư thế chờ đợi trong thời buổi nóng bỏng từ đầu những năm 40 thế kỷ XX của quê hương ta. Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, mà chúng tôi phong phanh nghe nhắc đến, đã là một luồng gió mới vô cùng đẹp đẽ. Có thể nói, Đề cương đã thúc lên được một sức bật có giá trị nhân bản to lớn không lường được đối với trí thức và giới văn học nghệ thuật. Kể cả với chúng tôi, những người làm văn nghệ trẻ từng thao thức xung quanh cái tuổi hai mươi thèm khát khám phá cái mới của cuộc đời và của văn chương nghệ thuật.

Giới trí thức trẻ, đặc biệt là những người làm văn thơ, họa, nhạc trẻ như một số anh chị em sinh viên yêu nước chúng tôi, chưa đọc được tận mắt thấy bản Đề cương đó. Thế nhưng một số đã có dịp bí mật được nghe tới, trong đó có một số điểm hoàn toàn chưa được công khai. Nhiều khía cạnh được nhập tâm vì cuộc đời và vận mệnh người làm văn hóa trong một cảnh trời đang chuyển mới, vẫn ước ao có một hướng đi.

Đồng chí Trường Chinh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, tháng 6-1987.
Đồng chí Trường Chinh tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, tháng 6-1987.

Đề cương Văn hóa Việt Nam của Trung ương Đảng được đồng chí Trường Chinh dự thảo, với tầm nhìn cao của Đảng và niềm tâm huyết cách mạng thấm đẫm của đồng chí đã trao cho anh chị em trí thức trẻ chúng tôi thêm nhựa mạnh của cây mùa xuân và thêm lòng tin vào cuộc đời, vào ngày mai của những người đang đi học ở nhà trường, làm thơ, làm nhạc.

Trình độ tư duy chưa có bề dày đáng kể, nhưng tuổi trẻ vẫn yêu thích khi thoáng nghe bản Đề cương Văn hóa Việt Nam. Mà Đảng vạch ra cho ngày bấy giờ và sắp tới, bao gồm cả tư tưởng học thuật và nghệ thuật văn chương. Một điều nữa là, lúc ấy, đã có đôi bạn nào đó hoạt động Việt Minh bí mật trong khoa này, khoa kia của trường Đại học Đông Dương hoặc im lặng vận động bạn bè trong Đông Dương Hán học xá (sau 9-3-1945 đổi là Việt Nam học xá), thổ lộ việc gây dựng văn hóa mới của nước nhà đang vượt hết trở lực để nảy nở. Đôi ba bạn gợi ý: có người đang làm thơ, viết văn "bất hợp pháp", tuy âm ỉ nhưng tràn ngập khí thế sáng tác góp phần đấu tranh chống phong kiến, thực dân, giành độc lập, tự do cho đất nước. Trong khi đó thì những người sinh viên đã từng là học sinh các trường trên mảnh đất sông Hương, núi Ngự, nhớ lại những người như anh Hải Triều - nhà lý luận tiên phong đã từng viết sách Văn sĩ và xã hội năm anh 29 tuổi cho chúng tôi được học hồi còn thơ trẻ đã từng bán sách, báo tiến bộ. Hay như anh Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) đã là người bạn đồng môn, đồng tuế và là người làm thơ trẻ đã dũng cảm lao vào làm cách mạng với tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình. Cũng có một số nhà văn trẻ hay nhà khoa học nhân lúc đó bắt đầu nhập cuộc với ước mơ đấu tranh vì tiếng nói thống nhất và làm giàu thêm cho tiếng Việt, ...

Những điều rất cơ bản từ ba nguyên tắc vận động văn hóa trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà Đảng đã đề ra trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, thời bây giờ chúng ta chưa hiểu sâu sắc, đầy đủ đến nơi, đến chốn. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta mới có điều kiện thông hiểu dần và nắm vững.

Đó là ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Có lẽ khi đã có thực tế cuộc đời, có cuộc đấu tranh cho nhân văn và văn hóa cách mạng, cho đất nước sớm được độc lập, tự do, thống nhất hoàn toàn, có bề dày của thời gian sau năm mươi năm của cách mạng thành công, dưới sự lãnh đạo ân cần của Hồ Chí Minh và của Đảng thì chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa thời đại và tinh tế của chúng.

Sự nghiệp đấu tranh của cách mạng nước ta đi vào hướng nhân bản của dân tộc, chống mọi ảnh hưởng nô dịch về văn hóa, về văn học nghệ thuật. Đó cũng là điều khiến cho văn hóa đất nước ta phát triển độc lập, tự cường, với bản lĩnh và màu sắc thật của nó. Muốn có được cái sức mạnh tự thân ấy, thì chúng ta cũng còn "cần thu hút những tinh hoa văn học nghệ thuật của thế giới từ xưa đến nay" như những ý kiến thấm thía mà Đảng đã nêu từ đầu những năm 40 thế kỷ XX. Tất cả đều làm cho các công trình văn nghệ dân tộc ta ngày càng thêm phong phú; cũng làm cho trình độ văn hóa và nền văn hóa của đất nước ta chuyển mạnh về phía trước, bồi bổ cho nó nhiều tiềm năng sáng tạo mới, đưa Tổ quốc ta vươn lên ngang tầm văn minh với các nước khác trên hoàn cầu.

Đại chúng hóa cũng có ý nghĩa mới và thời sự của nó là: "Chống lại mọi chủ trương làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa quần chúng". Cái tinh tế và sâu sắc nhất của tư tưởng chủ đề, của nội tâm và của văn phong là làm sao cho thật đầy đủ, có cốt cách nhân văn, nhân bản để không thoát ly đời sống thực tiễn của dân tộc, của thời đại mà lịch sử đưa lại cho đất nước, và những nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta...

Phải giữ cho được trách nhiệm và nhân cách của văn nghệ sĩ trong sáng tác phục vụ cuộc sống, đất nước, phục vụ nhân dân và xã hội.

Bản lĩnh chính trị và tri thức của quảng đại nhân dân bây giờ đã được nâng cao. Họ chờ đợi ở chúng ta nhiều công trình sáng tác có tầm cỡ. Họ đòi hỏi ở chúng ta là người sáng tác, người phát minh, người làm công tác tư tưởng, không chỉ ở cái tài mà còn ở cái tâm.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com