Đức Vượng
(tiếp theo)
Quan điểm của đồng chí Trường Chinh là rất rõ ràng: kinh tế quyết định văn hóa của một dân tộc, và văn hóa có tác động trở lại đối với kinh tế - xã hội. Nói kinh tế quyết định văn hóa không có nghĩa bao giờ kinh tế và văn hóa cũng phát triển đều nhau, đi song song với nhau. Trên thực tế, có khi kinh tế phát triển mà văn hóa bị đình trệ hoặc phát triển chậm, những hình thái ý thức về văn hóa vẫn lẹt đẹt theo sau, không mô tả nổi thực trạng kinh tế đã biến đổi. Ngược lại, có khi văn hóa lại đi trước thực trạng kinh tế khi văn hóa nắm bắt kịp bước đi của giai cấp tiên phong cách mạng và ảnh hưởng lại xã hội một cách mãnh liệt. Văn hóa thống trị xã hội là văn hóa của giai cấp thống trị trong xã hội ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ đọc báo Sự Thật tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1948. |
Xã hội Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một xã hội dưới chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Văn hóa cũng phát triển theo hướng đó. Đây chính là thời kỳ văn nghệ cách mạng nảy nở. Đồng chí Trường Chinh nhận định về văn hóa, văn nghệ của thời kỳ này: "Quần chúng nhân dân cách mạng chiếm lấy văn học đó, nhận là văn học chính thức của mình, tìm trong văn học đó những tư tưởng tiên phong dẫn đường cho mình, soi sáng bước tiến của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng. Lúc đó, học thuyết cách mạng, văn học cách mạng có hiệu lực giác ngộ, động viên, tổ chức quần chúng nhân dân, đưa quần chúng lên hàng ngũ cách mạng, cho quần chúng một tinh thần, một ý chí, một niềm tin, kêu gọi quần chúng đứng dậy làm cách mạng đánh đổ giai cấp áp bức, bóc lột, phá bỏ quan hệ sản xuất đó, giải phóng lực lượng sản xuất và lập nên xã hội mới thích hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mình. Thời kỳ cách mạng xã hội đã mở ra". Thời kỳ này liên tiếp xuất hiện nhiều tài năng văn hóa, văn nghệ. Họ trưởng thành từ những trí thức yêu nước, những công nhân, nông dân... Nhiều nghệ sĩ tài năng xuất thân từ giai cấp bóc lột, giác ngộ và đi theo cách mạng, đã có nhiều tác phẩm tầm cỡ, chứa đựng nội dung tư tưởng sâu sắc, giải quyết thành công những vấn đề xã hội phức tạp, là sự liên hệ với nhân dân và tự nguyện phục vụ nhân dân. Rõ ràng, văn hóa đã tác động mạnh đến đời sống xã hội. Đồng chí Trường Chinh viết: "Kinh tế, chính trị quyết định văn hóa, rồi sau văn hóa tác động lại kinh tế và chính trị, nhiều khi với một sức mạnh phi thường".
Trong các tác phẩm mang tính chất văn hóa của đồng chí Trường Chinh phải kể đến: Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943), Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này (1944), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948). Riêng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam là tác phẩm trình bày một cách có hệ thống những nguyên lý văn hóa mácxít sâu sắc, đặc sắc, cụ thể hóa đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.
Tháng 2-1957, tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II, đồng chí Trường Chinh đọc một bản báo cáo quan trọng, kêu gọi các nhà văn hóa, văn nghệ hãy ra sức phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội. Đó là quan điểm văn hóa của đồng chí Trường Chinh. Đồng chí dự đoán rằng, trên những nẻo đường cách mạng, đã, đang và sẽ nảy nở những sáng tác mới, tầm cỡ, xứng đáng với dân tộc, với thời đại.
Thời gian qua đi, song, tư tưởng của những tác phẩm Đề cương Văn hóa Việt Nam, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam... vẫn còn nguyên giá trị.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã phát triển những tư tưởng văn hóa cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cựu Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh, đề ra những nghị quyết có giá trị về văn hóa, văn nghệ. Những nghị quyết đó đều đặt yêu cầu nâng cao chất lượng của công tác văn hóa, văn nghệ. Mỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân, quan tâm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp trong xã hội, nhất định nó phải có tác dụng to lớn trong việc góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho con người, thỏa mãn những nhu cầu văn hóa ngày càng tăng của nhân dân.
Đó cũng là mong ước của nhà chính trị, nhà văn hóa Trường Chinh.