Lê Minh
Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, tôi được điều động ra Hà Nội, nhận công tác vận động công nhân, trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Ban Công vận Xứ. Trưởng ban lúc đó là đồng chí Trần Danh Tuyên, cùng trong Ban có hai đồng chí Trần Cư và Trần Bảo. Trụ sở chúng tôi đi về là nhà số 51 Hàng Bồ, có biển đề phía ngoài: Nhà in Lao động. Đúng là trong nhà có nơi sắp chữ và chạy máy in, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ. Ngôi nhà 51 Hàng Bồ chính là cơ quan bí mật của Xứ ủy Bắc Kỳ, của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, của Ban Công vận Xứ. Song, vì giữ nguyên tắc, cán bộ biết nhau và thường gặp ở sân hoặc cầu thang, thì chúng tôi cũng không ai hỏi ai về công việc không liên quan đến mình. Vì vậy, cũng không bao giờ tôi đi lên tầng ba. Tầng hai mới chính là nơi cán bộ công vận chúng tôi hội họp và gặp cấp lãnh đạo. Tại đấy có một phòng xép rất hẹp, chỉ có một cửa nhỏ thông gió ở sát trần nhà, cuối phòng đặt một két sắt to chiếm gần hết chiều ngang tường. Một giường gỗ bé kê dọc, khi về nhà, tôi ngủ ở đây. Thời kỳ này chúng tôi vẫn giữ nếp cũ như còn hoạt động bí mật, có nhiều chỗ ở khác nhau, tuy nhiên 51 Hàng Bồ vẫn là nơi chính đi về. Chúng tôi thường ăn cơm ở nhà in, dù về nhà không đúng bữa thì anh Oanh phụ trách nhà in vẫn gọi chúng tôi xuống ăn, như ở gia đình vậy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961. |
Tình hình chính trị ở Hà Nội lúc này đang hết sức phức tạp. Nhiều tổ chức chống phá chính quyền non trẻ của chúng ta, và cán bộ vận động công nhân đang là một trong những mục tiêu mà bọn phản động nhằm khủng bố. Trong số cán bộ công vận chúng tôi đã có anh Tiêu bị chúng bắt giữ trái phép. Lúc này tôi công tác không chỉ với Nhà máy nước đá ở bờ sông và một số nhà máy khác phía nam thành phố, tôi còn thường xuyên lên Nhà máy Bia, Nhà Xe điện, một số cơ sở làm giấy ở làng Hồ, không thể không đi qua khu vực Quán Thánh - nơi có trụ sở Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội của Nguyễn Hải Thần và Việt Nam Quốc dân Đảng của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, mà nhân dân ta thích gọi tắt là bọn Việt Cách - Việt Quốc. Các tổ chức này đang ra sức xuyên tạc, chống phá chính quyền ta, vận động ngầm công nhân đình công, biểu tình. Tổ chức công nhân cứu quốc trong các nhà máy vừa ra công khai hoạt động nên chỉ xuất hiện vài người để tiếp xúc với công nhân hoặc chủ. Muốn họp đông đảo công nhân, phải vận động họ họp ngoài giờ và nếu tiến hành trong địa phận của nhà máy thì phải được chủ đồng ý.
Lần ấy tan ca sáng Nhà máy Bia, chúng tôi tổ chức một cuộc nói chuyện. Công nhân quây tụ ở sân, phía bên trong cổng nhà máy. Còn tôi, đứng cao lên, trên một chiếc xe bò để mọi người nghe được rõ. Bọn cai và sếp lượn lờ xung quanh theo dõi, nếu bọn tôi làm gì hại đến quyền lợi của chủ, chúng sẽ có thái độ hoặc ra tay. Chủ trương của Đảng ta lúc này là vận động công nhân hiểu rõ đường lối của Nhà nước ta, đi làm công sở và xí nghiệp đều đặn, nhằm giữ vững trật tự và ổn định xã hội. Điều đó tất nhiên phù hợp với quyền lợi của chủ. Còn những mâu thuẫn khác giữa chủ và thợ, vì Tổ quốc trên hết, hãy tạm lắng xuống và không để cho ai kích động. Bọn Việt Cách, Việt Quốc đang muốn phá đám, ngăn cản công nhân đi làm, đã nhận mặt cán bộ vận động công nhân chúng tôi đưa vào sổ đen, khi gặp dịp sẽ bắt cóc hoặc thủ tiêu. Chúng cũng phát triển ngầm tổ chức của chúng trong công nhân. Đã mấy lần, có người xưng danh công nhân nhà máy đi tìm cán bộ, đến 51 Hàng Bồ hỏi chị Chi - bí danh của tôi lúc ấy. Nhưng anh Oanh đều trả lời: "Ở đây không có ai tên là Chi".
Ngày nào tôi cũng về 51 Hàng Bồ để nhận chỉ thị mới hoặc báo cáo tình hình và cũng để các anh phụ trách yên tâm. Nhiều lần các anh dặn tôi, không đi xe đạp lên phía Quán Thánh mà đi bằng tàu điện cho an toàn. Tôi vâng, nhưng vẫn giữ thói quen đi cho nhanh và được việc. Tôi tin ở mình, phi xe đạp trong phố Hà Nội như làm xiếc, tuổi trẻ xá gì.
Chiều ấy bất ngờ tôi vừa bước ra hành lang tầng hai định xuống gác thì gặp anh Nhân ở tầng 3 đi xuống. Tôi đứng né sang bên và lí nhí chào. Anh đứng lại hỏi tôi:
Tình hình công nhân những nhà máy cô phụ trách thế nào?
Tôi thưa với anh những việc đang làm. Anh nghe chăm chú rồi nói:
Tôi vẫn phải dặn cô. Không được quên những nguyên tắc hoạt động bí mật, vì ta vừa mới giành được chính quyền. Khi đi đường, khi về những nơi ở khác nhau, khi tiếp xúc... Cô không bao giờ được coi thường.
Tôi rụt rè: "Vâng ạ" mà trong lòng thật xúc động.
Chúng tôi ở 51 Hàng Bồ đều biết anh Nhân là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, tên thật là Đặng Xuân Khu, người Nam Định. Nơi ấy cha tôi (Nguyễn Công Hoan) từng dạy học và được liên lạc với cán bộ Đảng, trong đó có anh Trần Bảo. Thời ấy cha tôi đã thường nhắc đến tên anh như một niềm tự hào. Sau Cách mạng Tháng Tám, do được gặp lại các anh hoạt động ở Nam Định cũ cùng với anh ruột tôi (Nguyễn Tài Khoái), tôi được biết thêm một số việc khác về đồng chí Tổng Bí thư.
Tháng 4 - 1942, do trong cấp lãnh đạo của Đảng ta có đồng chí bị bắt nhưng không chịu nổi đòn tra tấn của đế quốc, đã khai ra cơ quan Trung ương và nửa đêm đưa mật thám đến. Nhưng đồng chí Tổng Bí thư có rất nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật, thường thay đổi chỗ ở và đêm đó mật thám chỉ bắt được đồng chí Điện (Lê Đức Khuê), cán bộ của cơ quan Trung ương. Đồng chí Điện đánh nhau với bọn mật thám ngay tại chỗ và sau đó chịu đòn tra tấn rất ác liệt, chịu án 20 năm tù đày đi Sơn La, rồi ra Côn Đảo. Các cơ sở Tổng Bí thư thường đi về mà đồng chí Điện biết, đều không bị lộ.
(còn nữa)