Quan điểm văn hoá của đồng chí Trường Chinh (kỳ 3)

04:10, 10/10/2019

Đức Vượng

(tiếp theo)

Sau Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam độc lập, nhưng chẳng bao lâu, thực dân Pháp đánh chiếm trở lại, làm cho nước ta vẫn chưa phải là một nước độc lập hoàn toàn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nước ta là một nước dân chủ, nửa phong kiến và một phần thuộc địa, vì có một bộ phận nhân dân bị thực dân, phong kiến thống trị. Năm 1955, miền Bắc nước ta được giải phóng, nền độc lập của nước nhà được tái lập, và 20 năm sau, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả dân tộc được sống trong độc lập, tự do. Văn hóa dân tộc gắn liền với bước thăng trầm của dân tộc. Thời kỳ thứ nhất: từ khi thực dân Pháp sang xâm lược Việt Nam đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1858 - 1918); thời kỳ thứ hai: từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (1918 - 1930); thời kỳ thứ ba: từ sau khi Đảng ra đời đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (1930 - 1945); thời kỳ thứ tư: từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Sự phân kỳ văn hóa này của đồng chí Trường Chinh chỉ mang tính tương đối. Nét đặc biệt của văn hóa Việt Nam xuyên suốt các thời kỳ là, mặc dù bị người nước ngoài thống trị, văn hóa Việt Nam tuy một bộ phận có chịu lai căng nước ngoài, nhưng nhìn chung, vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Văn hóa dân chủ mới Việt Nam luôn luôn đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình và tôn trọng độc lập, tự do của các dân tộc khác trên thế giới. Văn hóa dân chủ mới Việt Nam bao gồm những đặc điểm và truyền thống dân tộc, luôn luôn tìm kiếm cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ để mô tả. Văn hóa phản đối việc lắp ghép văn hóa của người nước ngoài vào hoàn cảnh nước mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh với cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Công an nhân dân vũ trang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh với cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Để phát triển tính dân tộc trong văn hóa, đồng chí Trường Chinh nêu quan điểm sử dụng phương tiện ngòi bút kết hợp phương tiện vũ khí để cùng nhau chĩa mũi nhọn của bút và mũi nhọn của lê vào quân xâm lược. Tất cả đều ra sức giành và giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Văn hóa đã phản ánh được tinh thần đó của dân tộc. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm tòi, học hỏi những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của ông cha ta để lại.

Văn hóa dân tộc phải hết sức coi trọng hoạt động thực tiễn và làm cho lý luận và thực tiễn kết hợp với nhau. Nó đề xướng tiến bộ và phá đi những gì ngăn cản bước tiến của dân tộc. Văn hóa dân tộc phải là văn hóa gần dân, thân dân, văn hóa đại chúng. Nó phục vụ tuyệt đại đa số nhân dân. Nó chống lại quan điểm cho rằng văn hóa là siêu phàm, càng cao càng quý, càng khó càng hay, nhân dân không thể thưởng thức nó và sáng tác ra nó. Văn hóa dân tộc chủ trương hòa vào trong nhân dân, hướng dẫn và giáo dục nhân dân, nâng cao trình độ nhân dân, phát hiện, bồi dưỡng tài năng trong nhân dân, học hỏi nhân dân, vui cái vui của nhân dân, buồn cái buồn của nhân dân, phục vụ nhân dân, phản ánh trung thực nguyện vọng và ý chí của nhân dân đang ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho nhân dân giác ngộ, hăng hái, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Khi dùng khái niệm nhân dân, đồng chí Trường Chinh hoàn toàn không có ý định xóa nhòa ranh giới giữa các giai cấp. Bởi vì, nói khái niệm nhân dân, trong đó đã chứa đựng yếu tố giai cấp.

Đồng chí Trường Chinh nêu quan điểm về văn hóa dân tộc phải là một nền văn hóa lành mạnh. Mỗi văn nghệ sĩ phải là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Nó kiên quyết tẩy trừ những khuynh hướng sai lầm trong văn nghệ: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa trùm chăn, chủ nghĩa thoát ly, chủ nghĩa trung lập, chủ nghĩa duy mỹ... Đồng chí Trường Chinh viết: "Chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa chỉ lo đến mình, cốt sao tác phẩm của mình bán chạy là được, không cần phải đòi hỏi tác phẩm đó có lợi hay là có hại cho quần chúng. Chủ nghĩa trùm chăn là chủ nghĩa trốn tránh nhiệm vụ đối với nước nhà, đối với kháng chiến, tách rời quần chúng mà ăn chơi cho qua ngày. Chủ nghĩa thoát ly là chủ nghĩa chỉ vùi đầu trong khuây lãng, trong nghệ thuật "thuần túy", không thiết gì đến cái vui, cái buồn, cái no, cái đói của nhân dân. Chủ nghĩa trung lập là chủ nghĩa cho văn hóa bao giờ cũng đứng trên mọi giai cấp, mọi tầng lớp nhân dân, không cần biết đến cuộc đấu tranh của nhân dân, không cần phục vụ nhân dân, không cần quan tâm đến chính trị. Chủ nghĩa duy mỹ là chủ nghĩa cốt trau dồi hình thức cho óng chuốt, cầu kỳ, cốt làm đẹp mắt một số rất ít "thượng lưu trí thức" và bọn người bóc lột, ăn bám. Vấn đề là ở chỗ: cái gì phản dân tộc, khoa học và đại chúng thì kiên quyết bác bỏ; cái gì hợp với dân tộc, khoa học và đại chúng thì ra sức xây dựng, giữ gìn và phát triển. Đó là lòng trung thành của văn nghệ sĩ với Tổ quốc và nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, gần dân, thân dân, thông cảm với nhân dân. Văn nghệ sĩ có thái độ đó là nhà văn hóa chân chính của dân tộc.

Đồng chí Trường Chinh nhận định văn hóa là một vấn đề rộng lớn. Nó bao gồm văn học, nghệ thuật, khoa học, triết học, phong tục, tôn giáo. Nó chứa đựng yếu tố văn minh tinh thần. Đồng chí viết: "Có người cho văn hóa và văn minh là một. Nhưng trong lịch sử có nhiều dân tộc chưa có văn minh, song đã có văn hóa. Văn hóa súc tích, phát triển tới một mức nào đó mới thành văn minh". "Người ta sinh ra, ăn, mặc ở trước, rồi mới hát, múa, vẽ, viết, bàn triết lý sau. Kinh tế là nền tảng của một xã hội, là cơ sở hạ tầng. Chính trị, pháp luật, văn hóa là những cái xây dựng lên trên cơ sở ấy, là kiến trúc thượng tầng của xã hội". Đó là quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác mà đồng chí Trường Chinh đã tiếp thu. Kiến trúc thượng tầng nhiều khi phát triển tưởng như riêng biệt, nhưng thật ra nó chịu sự quyết định của điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội rất chặt chẽ, đồng thời nó ảnh hưởng lại đời sống vật chất của xã hội một cách mầu nhiệm. Vấn đề này được chứng minh rõ nhất trong phong trào Phục hưng của các nước Tây Âu thế kỷ XV và thế kỷ XVI; phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XVIII; cao trào cách mạng 1945 và qua hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống xâm lược... Vì vậy, giữa văn hóa và xã hội có mối liên quan mật thiết với nhau, có sự tác động vào nhau rất rõ. Tất nhiên, cũng cần phải phân biệt sự khác nhau giữa văn hóa và xã hội. Nó có mối quan hệ với nhau, nhưng không thể đồng nhất. Hoạt động của đời sống xã hội được phản ảnh vào tác phẩm và tác phẩm thông qua lăng kính chủ quan của người viết, tái tạo lại đời sống xã hội bằng tư duy hình tượng và tư duy trừu tượng.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com