Đất trời Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường thuộc vùng Sơn Nam hạ đã sinh ra người con tú khí non sông, tinh thông thời thế - Đặng Xuân Khu (1907-1988) - thế hệ học trò cách mạng đầu tiên và cũng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có được học trò mẫn tiệp tất phải có bậc thầy cao minh? Thế kỷ XX trên thế gian này, lớp học trò cách mạng của Bác Hồ hỏi có mấy ai gánh vác trọng trách quốc gia lớn lao, lâu dài, đổi mới, hiệu quả như Trường Chinh! Xuất thân từ một gia đình có truyền thống thông minh, học giỏi; tuổi trẻ Đặng Xuân Khu đã học ở Trường Thành Chung Nam Định - một trường nổi tiếng Bắc - Trung - Nam (bây giờ là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định). Đặng Xuân Khu cũng là thế hệ học trò đầu tiên học Tây học ở Trường Đại học Đông Dương và trở thành nhà cách mạng đi theo, học theo, làm theo con đường của Bác và trở thành nhà thơ Sóng Hồng thẩm thấu càn khôn, thông nguồn tạo hoá
“Ca tự do, tiến bộ với tình yêu”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh (bên phải), Phạm Văn Đồng (bên trái), Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh: Tư liệu |
Soi ngắm lại quá trình gánh vác trọng trách của Đảng, của quốc gia, đồng chí Trường Chinh đã ba lần làm Tổng Bí thư, là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ tháng 7-1981 đến tháng 6-1987, là Chủ tịch Quốc hội khoá V và khoá VI. Đồng chí Trường Chinh cống hiến cho dân cho nước từ tuổi thành niên cho đến tận lúc ông nhập cõi vĩnh hằng. Đồng bào cả nước tin yêu ông, kính trọng ông bởi ông lãnh đạo quốc gia ở những giai đoạn lịch sử cam go nhất, ông đã biết học ở Bác, làm theo Bác để đưa ra những quyết sách, quốc sách sáng ngời chân lý. Nhân dân ta đã chịu ách đô hộ của thực dân Pháp gần 100 năm, lại bị phát xít Nhật kéo vào ồ ạt. Vận thế quốc gia như nghìn cân treo sợi tóc nhưng đồng chí Trường Chinh đã cùng với Bác, cùng với Bộ Chính trị đón thời cơ để dùng “sức mười lạng” mà vẫn thắng nổi “sức nghìn cân”. Đồng chí Trường Chinh khi ấy “một cây” mà vẫn “thành rừng” là nhờ có trí tuệ sáng suốt. Khi Bác Hồ bị bắt và bị giam cầm trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch thì trọng trách quốc gia dồn cả lên đôi vai của đồng chí Trường Chinh. Rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, đồng chí Trường Chinh vẫn “minh tâm kiến tính” để chuẩn bị cho cao trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa và giành chính quyền về tay nhân dân. Báo
Cứu Quốc (số 1780 ngày 23-3-1951) đã đăng bài và nhận định: “Người ta có thể nói, Hồ Chủ tịch là linh hồn của cách mạng và kháng chiến thì ông Trường Chinh là bàn tay điều khiển chỉ huy”. Lời nhận định đó như “nhật chiếu Ba Đình, nguyệt soi Hành Thiện”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhận định: “Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn
“Kháng chiến nhất định thắng lợi” là do anh Trường Chinh”.
(Đồng chí Trường Chinh - người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng nước ta - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Báo
Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 8-2-2007).
Những năm cách mạng còn đen tối, đồng chí Trường Chinh đã nhiều lần rời Pắc Bó về xuôi để chỉ đạo cách mạng và thiết lập hệ thống kết nối liên hoàn với ATK. Đây cũng là sáng kiến của đồng chí Trường Chinh để cách mạng gần dân và dân gần cách mạng, cách mạng bảo vệ dân và dân che chắn, bao bọc cách mạng.
Đồng chí Trường Chinh đến với cách mạng, vì dân vì nước, là một nhà lý luận chiến lược nổi tiếng. Ông để lại cho Hội đồng Lý luận quốc gia nhiều tác phẩm bất hủ:
Chống chủ nghĩa cải lương - 1935;
Vấn đề dân cày (viết chung với Võ Nguyên Giáp) 1937-1938;
Chính sách mới của Đảng - 1941;
Kháng chiến nhất định thắng lợi - 1947;
Bàn về cách mạng Việt Nam - 1965;
Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược - 1986. Thông qua những tác phẩm đó, đồng chí Trường Chinh đã thể nghiệm, chứng nghiệm và dự nghiệm, làm sáng tỏ ba mệnh đề lớn: Lý luận về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam ở từng giai đoạn lịch sử; Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến tới cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Tính Đảng trong tư duy và trong hành động. Ba luận đề đó không dừng ở cung cấp các giải pháp mà còn giúp các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học nhận diện được những khó khăn trở ngại để điều chỉnh, để thích ứng và vượt qua. Đồng chí Trường Chinh không còn ở bên chúng ta nhưng những giá trị tinh thần của ông để lại vẫn còn và sẽ còn làm sáng mắt, sáng lòng chúng ta!
Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta những năm 80 của thế kỷ trước, là người đầu tiên khởi thảo lý luận đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, chưa bao giờ kinh tế nước ta lại khủng hoảng suy thoái và kiệt quệ như những năm 80 của thế kỷ trước. Đứng trước thực trạng đó đồng chí Trường Chinh đã sớm phát hiện ra: Hệ thống tiền lương của nước ta được thiết lập năm 1960 theo luận đề của Các Mác về giá - lương - tiền đã không còn phù hợp việc trả lương bằng cung cấp hiện vật với giá thấp rẻ như cho của thời bao cấp. Cơ chế bao cấp đã gây nên tệ nạn cửa quyền, ban ơn, bố thí… dẫn tới tâm lý ỷ lại, đòi hỏi, phá vỡ quy luật phân phối, tạo điều kiện cho kẻ đầu cơ tích trữ. Đồng chí Trường Chinh khẳng định phải xếp tiền lương vào phạm trù sản xuất và coi đó là một trọng điểm đầu tư - đầu tư vào tiềm năng quý nhất là lao động sống. Đồng chí đã cho thành lập tổ công tác, đi khảo sát ở nhiều nơi. Đặc biệt đồng chí Trường Chinh đã giao cho một số bộ thành lập nhóm nghiên cứu gồm những cán bộ khoa học có năng lực phân tích, khái quát, tổng hợp và phản biện. Đồng chí luôn nhắc nhở cán bộ nghiên cứu phải tỉnh táo.
“Tỉnh táo để nhìn không lẫn lộn/ Tỉnh táo để nghe không nhầm lẫn/ Tỉnh táo để nghĩ không sai lệch/ Tỉnh táo để hành không vướng mắc”. Đây là phát hiện mới, tư suy sáng tạo của đồng chí Trường Chinh đặt nền móng khoa học cho công cuộc đổi mới. Tháo gỡ được sự bế tắc về giá - lương - tiền là một thắng lợi lớn. Cơ chế quản lý mới, đồng chí Trường Chinh trình bày ở Hội nghị Trung ương 6, khoá V là lối thoát cho nền kinh tế trì trệ, thua lỗ triền miên.
Đồng chí Trường Chinh không chỉ là chính trị gia, nhà lý luận mẫn tiệp mà ông còn là thi gia nổi tiếng với bút danh Sóng Hồng. Bài thơ
Là thi sĩ của ông có hàng triệu triệu lượt người đọc, có hàng trăm nhà phê bình tâm đắc. Bài thơ đó đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa văn THPT để lớp lớp học trò được nâng niu cảm nhận, mà mở tâm khai trí. Đọc bài thơ
Là thi sĩ của Sóng Hồng, chúng ta đọc được cả tâm - trí - dũng của ông:
“Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ thì lời tuyên ngôn đó có sức mạnh to lớn, vẫn còn nguyên giá trị. Tâm của thi gia:
“Yêu nhân loại, hoà bình, công lý/ Ca tự do, tiến bộ với tình yêu”; trí của thi gia: “Hồn cao khiết, mệnh cao siêu”,…; dũng của thi gia:
“Kiên cường”, “cao giọng hát những bài ca chính khí”. Như vậy đọc bài thơ mỗi người đều có thể, hoàn toàn có thể kiểm soát được tư duy của chính mình, ngòi bút và câu chữ của chính mình? Tôi muốn dẫn ra đây những câu hay về lời, đẹp về ý và âm vang về giọng điệu:
Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới/ Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng/ Để tâm hồn dào dạt chí Chi Lăng/ Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt”.
Thơ của Sóng Hồng không chỉ làm sáng lên những trang sử hào hùng của dân tộc mà còn khích lệ thế hệ hôm nay viết tiếp những trang sử mới của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Trường Chinh là bậc vĩ nhân luôn có tầm nhìn chiến lược cả về chính trị lẫn nghệ thuật, là học trò minh tâm kiến tính của Bác Hồ kính yêu! Xin mượn lời ông dặn con trai Đặng Việt Bích để kết thúc bài viết:
Ba chẳng có gì để lại cho các con ngoài tư cách người Cộng sản. Ba chỉ có cuộc đời cách mạng và một lý lịch trong sáng để lại cho các con thôi”!
NGƯT.
Hoàng Trung Hiếu