Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 5)

10:02, 02/02/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Sau thất bại của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, bọn thực dân ra tay mở cuộc đàn áp dữ dội trong cả nước. Riêng ở Nam Kỳ 6000 người bị bắt hoặc bị giết. Hai đồng chí ủy viên Trung ương còn lại hoạt động ở Nam Bộ: Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần cùng các đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy và các ủy viên Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến đều bị bắt. Tất cả các đồng chí Trung ương bị bắt từ trước: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần và các đồng chí xứ ủy đều bị địch xử tử. Lê Duẩn thoát chết vì không lộ tung tích là ủy viên Trung ương, ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, nhiều cuộc bắt bố diễn ra liên tục. Hai xứ ủy, nhiều tỉnh ủy đều có người phải vào tù. Địch mở tòa án quân sự để xử những người hoạt động chính trị theo luật thời chiến, kết án rất nặng, ai là người lãnh đạo xứ, tỉnh đều bị xử tử, như Lương Khánh Thiện.

    Thường vụ Trung ương do Đặng Xuân Khu đứng đầu một mặt phải thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt để tự bảo vệ, mặt khác, phải chuẩn bị người thay những đồng chí bị bắt ở cả ba kỳ, từ cấp xứ đến cấp tỉnh. Trong những năm 1940 - 1945, mấy đồng chí lãnh đạo của Đảng ta phải sống trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nguy hiểm. Nhờ củng cố được hai khu an toàn: khu A ở chung quanh Hà Nội, khu B ở Bắc Giang - Thái Nguyên mà có chỗ trú chân vững chắc.

    Có đồng chí chủ trương lập khu an toàn ở vùng rừng núi, Đặng Xuân Khu nói căn cứ vững chắc nhất vẫn là lòng người. Phải ở gần Hà Nội mới giữ vững được liên hệ với tố chức toàn đảng, đối phó kịp thời với mọi tình huống. Những cuộc họp đông người, các lớp học, thì cần phải tiến hành ở vùng rừng núi (Hiệp Hòa, Phổ Yên).

    Năm 1942, cơ quan ngôn luận của Trung ương, báo Cờ Giải Phóng ra đời in bằng đá. Đặng Xuân Khu là người phụ trách và viết chủ yếu; những bài của ông thường ký bút danh Trường Chinh. Tên này bắt đầu xuất hiện từ đấy.

    Mùa xuân năm 1943, quân đội Xô viết tiêu diệt toàn bộ tập đoàn quân phát xít Đức ở Xtalingrát, chuyển sang giai đoạn phản công chiến lược, đẩy lùi quân địch về phía tây, nhận định thời cơ dự báo trước đây sắp đến, Trường Chinh triệu tập cuộc họp Thường vụ Trung ương ở làng Chài Võng La quyết định đẩy mạnh việc phát triển lực lượng quần chúng, tổ chức các lực lượng vũ trang, tiến tới thành lập các khu quân sự. Trung ương cũng gửi chỉ thị cho tổ chức đảng ở các nhà tù kết nạp thêm đảng viên mới, mở rộng việc giáo dục chính trị, quân sự, tổ chức vượt ngục cho một số đồng chí có kinh nghiệm. Sơn La tổ chức thành công cuộc vượt ngục của bốn đồng chí là: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu, ở chợ Chu, hơn mười đồng chí vượt ngục ra hoạt động ở hai tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, phát động chiến tranh du kích. Kết hợp với hoạt động của các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Đội du kích Bắc Sơn do Chu Văn Tấn chỉ huy, mở rộng thành Khu giải phóng gồm sáu tỉnh Việt Bắc sau đó.

    Vào dịp Trung thu năm 1943, từ vùng Chèm, Vẽ, Hoàng Văn Thụ vào nội thành Hà Nội công tác bị địch chăng lưới bắt được.

    Tháng 5-1944, anh bị tòa án quân sự của địch kết án tử hình rồi bị xử bắn. Trường Chinh, Hạ Bá Cang bị tòa án của Pháp xử án tử hình vắng mặt và ra lệnh tìm bắt. Hai người vẫn hoạt động ở gần Hà Nội. Năm 1943, Nguyễn Lương Bằng, năm 1944, Lê Đức Thọ, hết hạn tù, được bổ sung vào Trung ương. Cuối năm 1944, Hạ Bá Cang lấy tên là Hoàng Quốc Việt, được Bác Hồ điều sang công tác vận động ngoại giao ở Hoa Nam cùng một số đồng chí khác.

    Tháng 8-1942, mang danh thiếp Hồ Chí Minh, Bác Hồ sang Trung Quốc để tìm gặp Chu Ân Lai trao đổi nhận định về tình hình quốc tế. Bọn đặc vụ của quân đội Tưởng Giới Thạch đã bố trí ở vùng cửa ngõ biên giới hai nước. Khi Bác Hồ đặt chân đến đất Trung Quốc lập tức bị bắt cùng một thanh niên người Trung Quốc dẫn đường. Chúng không giam Người ở một nhà tù nhất định mà dẫn đi nhiều nhà tù ở tỉnh Quảng Tây suốt mười bốn tháng, bất chấp sức khỏe của Người mỗi ngày một giảm sút. Song, nhờ ý chí kiên cường, Người đã vượt qua cái chết. Do sự khôn khéo của mình trước kẻ thù và tìm được người tin cẩn thông tin cho Chu Ân Lai nhờ giúp đỡ, qua Tôn Khoa, Khổng Tương Hy tác động với Tưởng nên năm 1943, Bác Hồ được trả lại tự do, nhưng bị giữ lại ở Liễu Châu một năm bên cạnh Bộ Tư lệnh của Đệ tứ quân khu của Trương Phát Khuê. Không để lãng phí thời gian, Người thông báo với Trung ương cử người sang dự các lớp học chính trị, quân sự do Người mở, được sự đồng ý của Trương Phát Khuê, với lý do đào tạo cán bộ chống Nhật, trong số những người dự lớp học có cả những người mang danh nghĩa Quốc dân Đảng, Đồng minh hội của người Việt lưu vong. Những người dự các lớp học này về sau là những người chỉ huy quân đội cách mạng của ta.

    Tháng 9-1944, Người về Cao Bằng. Được biết Liên tỉnh ủy Cao Bằng - Bắc Cạn chuẩn bị phát động khởi nghĩa, Người chỉ thị phải hoãn lại vì thời cơ lớn chưa đến. Tháng 12 năm đó, Người quyết định tập hợp những người đã dự các lớp học và đang hoạt động ở hai tỉnh này thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Các quân khu I, II, III, IV... lần lượt ra đời theo quyết định của Trung ương. Năm 1944, tình hình Chiến tranh thế giới thay đổi rất nhanh, Mútxôlini bị các lực lượng tiến bộ giết chết. Quân đội của Hítle bị đánh bại, mặt trận của chúng bị co lại phía Tây, quân đội Xô viết giải phóng đất nước, tiến nhanh vào khu vực Ban Căng. Anh, Mỹ mở mặt trận thứ hai, đổ bộ ồ ạt vào các nước Tây Âu. Ở châu Á, quân đội Nhật sa lầy ở Trung Quốc và tất cả các mặt trận châu Á - Thái Bình Dương.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com