Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 7)

03:02, 09/02/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Ta đưa người vào hoạt động trong các tổ chức do Pháp, Nhật lập ra như Tổng hội công chức, Tổng hội sinh viên, Hội hướng đạo sinh, Tổ chức thanh niên Phan Anh. ở Nam Bộ, tướng Nhật mời Phạm Ngọc Thạch đứng đầu tổ chức thanh niên như đã làm ở Bắc Bộ, Trung Bộ. Là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ông về mở phòng khám bệnh ở Sài Gòn, có liên hệ với các đồng chí xứ ủy của Đảng, ông nhận lời mời với mục đích biến phong trào thanh niên tiên phong thành phong trào thanh niên cứu quốc. Đảng đưa nhiều cán bộ vào lãnh đạo phong trào này, chẳng mấy chốc trở thành một cao trào ở cả Nam Bộ. Bên cạnh phong trào này là phong trào do những người cộng sản mới thoát khỏi nhà tù tổ chức, lãnh đạo. Các tổ chức vũ trang cũng ra đời.

    Trường Chinh liên tục cử người vào Sài Gòn chuyển chỉ thị, nghị quyết cho Xứ ủy Nam Bộ. Xứ ủy cũng cử người ra báo cáo tình hình với Trung ương.

    Công tác của Trung ương từ sau tháng ba có nhiều thuận lợi. Nguyễn Lương Bằng phụ trách công tác tài chính của Trung ương và Tổng bộ Việt Minh. Ông vận động được sự ủng hộ to lớn của các nhà giàu ở Hà Nội, Hải Phòng như Hồ Đình Thiệu, Trịnh Văn Bô, Cát Hanh Long... Việc bán tín phiếu cũng thu được một số tiền không nhỏ. Nhờ có tiền, ta mua được súng đạn, in được nhiều bản báo của Trung ương và Tổng bộ bằng chữ in trên giấy tốt. Cán bộ có tiền sinh hoạt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng (thứ 2 từ phải sang), Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu.

    Tháng năm, quân đội Xô viết phối hợp với quân Anh - Mỹ, thực tế là chạy đua mở cuộc tổng tiến công quyết định vào sào huyệt của chủ nghĩa phát xít Đức - Béclin. Hồng quân Liên Xô đã đến trước, đè bẹp hoàn toàn sự kháng cự của quân Đức. Chiến tranh thế giới kết thúc ở châu Âu. Nhận thấy thời cơ chờ đợi đang đến, Đảng ta phát động cao trào Tổng khởi nghĩa.

    Bác Hồ về Tân Trào. Người đề nghị thống nhất chiến khu nhỏ thành Khu giải phóng Việt Bắc, và chuẩn bị triệu tập Hội nghị Trung ương, Đại hội quốc dân để quyết định những nhiệm vụ khấn cấp của cách mạng. Cũng trong tháng đó, Trường Chinh nhân danh Trung ương triệu tập họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, lập ra ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ do Văn Tiến Dũng đứng đầu. Sau đó, họp hội nghị thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng cả nước.

    Đầu tháng tám, Trường Chinh cùng các ủy viên Trung ương đi dự Hội nghị ở Tân Trào khai mạc ngày 13. Các Xứ ủy Bắc, Trung, Nam cũng được mời cử đại biểu đến dự hội nghị mở rộng. Bắc Bộ có Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Trung Bộ có Nguyễn Văn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Nam Bộ có Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Thị Thập (đến muộn).

    Tình hình lúc ấy thay đổi nhanh chóng. Ngày 8-5-1945, Hồng quân Liên Xô tiến công quân Nhật ở Mãn Châu. Cùng ngày, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima, chiến tranh ở châu Á đi nhanh vào hồi kết thúc, ở nước ta, nhân dân cả nước sẵn sàng nổi dậy. Hội nghị thông qua quyết định phát đi mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa và thảo luận những nhiệm vụ của chính quyền cách mạng, nội dung của Đại hội quốc dân. Mấy ngày này Bác Hồ đang ốm nặng vẫn tham gia những quyết định lớn. Trường Chinh phải cáng đáng nhiều việc quan trọng. Hội nghị bàn bổ sung thêm một số uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương là: Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Võ Nguyên Giáp. Các uỷ viên được bầu tại Hội nghị Pắc Bó năm 1941 được bầu lại là: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Hoan, Vũ Anh, Trần Đăng Ninh; và hai đồng chí được bổ sung năm 1943, 1944 là: Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ.

    Một lần nữa các đồng chí Trung ương lại đề cử Bác Hồ làm Tổng Bí thư. Người một mực không nhận như tại Hội nghị năm 1941. Ngày 15-8-1941, Đại hội quốc dân khai mạc dưới sự chủ tọa của Hồ Chí Minh. Trên một trăm đại biểu của cả Bắc, Trung, Nam tham gia Đại hội này.

    Ngày 15-8-1945, một số tỉnh đã khởi nghĩa thắng lợi. Sau đó, Hà Nội, Huế, Sài Gòn và cả nước đồng loạt tổng nổi dậy đánh đổ toàn bộ hệ thống chính quyền do quân đội Nhật lập ra từ tháng ba. Ngày 15-8 cũng là ngày Thiên hoàng Nhật Bản chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện.

    Chiến tranh thế giới thứ hai hoàn toàn kết thúc. Thất bại thuộc về các nước phát động cuộc chiến tranh tranh khủng khiếp này.

    Đại hội quốc dân Tân Trào là một sự kiện chính trị chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc ta với thành phần xã hội của những người tham dự, những nhiệm vụ mà nó quyết định, chính quyền cách mạng được bầu ra giữa thời điểm toàn dân nổi dậy thay đổi vận mệnh của mình. Đại hội là biểu tượng thể hiện bản chất của cuộc cách mạng và nhà nước mà nó thành lập - Nhà nước nhân dân, chính quyền nhân dân. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở nơi nào thì ủy ban nhân dân được thiết lập ở đó, từ cấp kỳ đến cấp tỉnh, thành, huyện, xã.

    Đại hội Tân Trào bầu ra ủy ban giải phóng Trung ương, tức là Chính phủ cách mạng lâm thời do Cụ Hồ làm Chủ tịch.

    Về Hà Nội, hàng ngày Trường Chinh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ủy viên Thường vụ chỉ đạo, xử lý những vấn đề quan trọng của đất nước và của Đảng. Sau cuộc họp ngắn, với chiếc xe đạp cũ kỹ, ông đến cơ quan báo Cờ Giải Phóng đặt tại góc phố Hàng Đào, trong một ngôi nhà nhỏ, viết bài, sửa bài, xem lại bản in thử. Xong việc của báo, ông tiếp tục công việc hàng ngày của người Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, người lãnh đạo chính quyền Nhà nước.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com