Đường Xuân Thuỷ dài 625m, rộng 32m, có địa giới từ phố Phạm Văn Ngọ đến đường D1, thuộc Khu tái định cư Bãi Viên - Phúc Tân.
Xuân Thủy (1912-1985) quê ở thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ông tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, từng làm ký giả từ thập niên 1930, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1932, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941. Từ năm 1938 đến năm 1943, ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần. Đầu năm 1944, sau khi ra tù, ông làm Chủ nhiệm tờ Cứu Quốc - tờ báo của Tổng bộ Việt Minh (giai đoạn 1944-1955). Ông đã tổ chức lớp đào tạo cán bộ làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng vào năm 1949. Xuân Thủy còn là một nhà thơ; là người đã dịch bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh ra tiếng Việt với tên gọi “Rằm tháng Giêng”. Các bài thơ của ông được trích giảng trong các nhà trường phổ thông và đại học trong nước và có trong “Tuyển tập Xuân Thủy”. Tác phẩm cuối cùng của ông là tập hồi ký “Những chặng đường báo Cứu Quốc”. Sau khi rời báo Cứu Quốc, ông chuyển sang công tác ngoại giao và giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 4-1963 đến tháng 4-1965. Ngoài chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1968-1973) tại Hội nghị Pa-ri, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông còn giữ các chức vụ: Phụ trách Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam (1952); Phụ trách Uỷ ban đoàn kết Á-Phi của Việt Nam (1957); Uỷ viên Hội đồng Hoà bình thế giới (1954); Chủ tịch Hội những người viết báo Việt Nam khoá I (1950), khoá II (1959) và là Uỷ viên Ban Chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô (1980); Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung (1960); Phó Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Geneve về Lào (1961); Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam (1968-1973). Trong thời gian từ 1968 đến 1982 ông còn đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Trưởng Ban Cán sự Đảng ngoài nước, Trưởng Ban Hoạt động quốc tế của Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác miền Tây, Trưởng Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương.
Ông mất ngày 18-6-1985 tại nhà riêng, số 36 Lý Thường Kiệt (Hà Nội)./.
Khánh Dũng